Nhân dịp tham dự hội thảo khoa học về chủ đề “Hoàn thiện pháp luật công chứng Việt Nam, nhìn từ góc độ kinh nghiệm của cộng hòa Pháp” do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và Hội đồng công chứng tối cao Pháp đồng tổ chức, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh đã có buổi tiếp đón xã giao Ông Lionel Galliez – Chủ tịch Liên minh công chứng quốc tế; Ông Jean Deleage - Trưởng ban đối ngoại - Hội đồng Công chứng tối cao Pháp cùng các thành viên trong đoàn.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế; TS Hoàng Ly Anh - Q. Trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ; TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước;
Về phía đoàn công tác có Ông Lionel Galliez - Chủ tịch Liên minh công chứng quốc tế; Ông Jean Deleage - Trưởng ban đối ngoại - Hội đồng Công chứng tối cao Pháp.
Tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi được tiếp đón Ông Lionel Galliez - Chủ tịch Liên minh công chứng quốc tế; Ông Jean Deleage - Trưởng ban đối ngoại - Hội đồng Công chứng tối cao Pháp và các thanhd viên của đoàn Hội đồng công chứng tối cao Pháp đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Luật Hà Nội. PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh đã giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, công tác đào tạo, hợp tác quốc tế của Nhà trường.
Theo đó, Nhà pháp luật Việt - Pháp đặt tại Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp ký vào ngày 10/02/1993 và đã chấm dứt vào ngày 31/12/ 2012. Có thể khẳng định, trong giai đoạn có sự tồn tại của Nhà pháp luật Việt – Pháp, cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học luật Hà Nội đã có nhiều cơ hội được trao đổi, học tập với các giáo sư, chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, sử dụng hữu ích nguồn tư liệu phong phú, đa dạng của Nhà pháp luật Việt – Pháp, đặc biệt là cơ hội được học tiếng Pháp pháp lý theo đúng chuẩn đào tạo của của Cộng hòa Pháp. Cũng chính vì điều này, nhiều giảng viên, sinh viên của Trường đã có cơ hội được đào tạo ở Pháp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nguồn nhân lực của Trường.
Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Paris II đã tổ chức thực hiện chương trình đào tạo liên kết đào tạo thạc sĩ luật kinh tế so sánh tại Trường Đại học Luật Hà Nội do hai Trường đồng cấp bằng (được gọi tắt là chương trình Cao học Pháp - Việt). Chương này được giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Pháp bởi đội ngũ giảng viên của của cả hai Trường và Nhà pháp luật Việt – Pháp đảm nhiệm việc giảng dạy tiếng Pháp pháp lý. Học viên của Chương trình thực hiện luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Việt và tiếng Pháp do giảng viên của 2 Trường đồng hướng dẫn. Chương trình đào tạo này được sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Đã có hai khóa đào tạo Chương trình Cao học Pháp – Việt được triển khai thành công: Khóa 1 (1998 – 2001) có 24 học viên tốt nghiệp; Khóa 2 (2001- 2004) có 19 học viên tốt nghiệp.
Từ năm 2012 đến nay hoạt động hợp tác với các đối tác CH Pháp của Trường Đại học Luật Hà Nội được thực hiện thông qua đầu mối là Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo khoa học với các chủ đề phù hợp với hoạt động nghiên cứu của Trường, thu hút đông đảo sự chú ý, tham gia của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường;
Cuối tháng 7/2023, Đoàn công tác Bộ tư Pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Pháp. Đoàn đã làm việc tại Hội đồng công chứng tối cao Pháp; Hội đồng thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia Pháp (CNCJ); Hội đồng luật sư quốc gia Pháp; trường đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp; Trường Đại học Paris II Panthéon-Assas.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ thành lập Trung tâm pháp luật Pháp tại Trường Đại học Luật Hà Nội.