Ngày 05 tháng 4 năm 2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng dân sự theo yêu cầu của cải cách tư pháp và thi hành Hiến pháp năm 2013” do TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng dân sự là Chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng tư vấn nghiệm thu đề tài bao gồm:
1. PGS.TS. Đinh Văn Thanh, Trường Đại học Luật Hà Nội: Chủ tịch Hội đồng.
2. TS. Trần Văn Trung, Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Phản biện 1.
3. TS. Nguyễn Công Bình, Trường Đại học Luật Hà Nội: Phản biện 2.
4. TS. Hoàng Ly Anh, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Luật Hà Nội: Ủy viên thư ký.
5. TS. Nguyễn Triều Dương, Trường Đại học Luật Hà Nội: Uỷ viên.
Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Thị Thu Hà đã báo cáo mục tiêu, nhiệm vụ, các kết quả nghiên cứu đã đạt được của nhóm tác giả. Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp và thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng dân sự cũng như nhằm khắc phục những điểm bất cập, chưa hợp lí trong các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì ngày 25/11/2015 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 đã thực sự đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp và thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân hay chưa cũng như để các quy định mới về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong BLTTDS được thực hiện trên thực tế thì cần phải có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng dân sự.
Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng dân sự theo yêu cầu cầu cải cách tư pháp và thi hành Hiến pháp năm 2013, đề tài đã đánh giá thực trạng cơ chế pháp lý về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng dân sự, chỉ ra mức độ, phạm vi cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong BLTTDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS đồng thời chỉ ra những quy định trong BLTTDS năm 2015 còn chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, chưa bảo đảm quyền con người, quyền công dân của các đương sự. Đề tài cũng đánh giá thực trạng cơ chế tổ chức thực hiện việc bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng dân sự. Trên cơ sở đó, đề tài đã đưa ra phương hướng của các giải pháp nâng cao hiệu quả cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng dân sự Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp và thi hành Hiến pháp năm 2013 và đề xuất giải pháp cụ thể.
Tại buổi nghiệm thu, chủ nhiệm đề tài và các tác giả tham gia Đề tài đã lắng nghe nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng tư vấn và trao đổi về các vấn đề liên quan đến đề tài.
Các thành viên Hội đồng tư vấn nghiệm thu đề tài đánh giá cao kết quả làm việc của Chủ nhiệm đề tài và các thành viên. Hội đồng tư vấn khẳng định đề tài có thể sử dụng như một tài liệu tham khảo có giá trị đối với sinh viên, các cán bộ nghiên cứu pháp lý và những người có quan tâm. Kết quả, Đề tài được tất cả 5 thành viên của Hội đồng tư vấn nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.
ThS. Nguyễn Sơn Tùng