Ngày 30/3/2017 tại Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp 2013 về các quyền dân sự, chính trị” do GS.TS. Thái Vĩnh Thắng – Giảng viên cao cấp khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội làm chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm có: PGS.TS. Hoàng Thế Liên – Nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch hội đồng; GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam, phản biện 1; TS. Nguyễn Văn Cương – Quyền Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, phản biện 2; PGS. TS. Bùi Xuân Đức – Nguyên Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, uỷ viên; PGS.TS. Dương Đăng Huệ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan, uỷ viên; TS. Trần Thị Quang Hồng – Ban nghiên cứu Pháp luật dân sự - kinh tế, Viện khoa học pháp lý, uỷ viên thư ký. Đến tham dự buổi nghiệm thu đề tài cấp Bộ còn có sự góp mặt của đại diện Viện khoa học pháp lý – Cơ quan chủ quản và Trường Đại học Luật Hà Nội - Đơn vị chủ trì cùng Ban chủ nhiệm đề tài.
Tại buổi nghiệm thu, thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, GS.TS. Thái Vĩnh Thắng đã báo cáo mục tiêu, nhiệm vụ cũng như các kết quả nghiên cứu đã đạt được của nhóm tác giả. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Trong đó, các quy định về các quyền dân sự, chính trị có nhiều sự đổi mới, phát triển hết sức quan trọng, từ nội dung quy định đến kỹ thuật thể hiện và cách thức thi hành. Yêu cầu tất yếu hiện nay là làm sao thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện các quyền đó vào các đạo luật tương ứng. Đây là công việc cấp bách và có liên quan tới phạm vi rộng các văn bản luật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Với mục tiêu trên, đề tài đã xây dựng các khái niệm quyền dân sự, quyền chính trị một cách chính xác và phù hợp với Luật nhân quyền quốc tế dựa trên nội dung của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các công trình nghiên cứu về quyền dân sự chính trị, đề tài; Đề tài đã đánh giá những điểm tiến bộ vượt bậc của Hiến pháp năm 2013 trong các quy định về quyền con người, quyền công dân nói chung , quyền dân sự và chính trị nói riêng; Đề tài đã chỉ ra những hạn chế, bất cập của pháp luật Việt Nam hiện nay (Luật hình sự và tố tụng hình sự, Luật dân sự và tố tụng dân sự, Luật hành chính và tố tụng hành chính và các luật chuyên ngành khác) trong việc đảm bảo thực hiện các quyền dân sự và chính trị theo Hiến pháp năm 2013; đồng thời Đề tài đã đề xuất một số phương hướng và giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện các quyền dân sự và chính trị của con người và công dân phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và Luật nhân quyền quốc tế.
Chủ nhiệm đề tài và các tác giả tham gia đề tài đã lắng nghe nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng tư vấn và trao đổi về các vấn đề liên quan đến Đề tài.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng đánh giá có nhiều giá trị trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
Đề tài được Hội đồng đánh giá nghiệm thu xếp loại Đạt./.
Thái Trang