Sáng ngày 17/5/2017, Khoa Pháp luật quốc tế đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về vùng nhận diện phòng không trong Luật quốc tế” dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Trưởng khoa Pháp luật quốc tế.
Đến dự Hội thảo, về phía khách mời có GS.TS. Nguyễn Bá Diến – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học biển và hải đảo; TS. Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện biển Đông, Học viện Ngoại giao; TS. Nguyễn Đăng Thắng – Vụ phó Ban nghiên cứu chính sách biển, Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; Ths. Nguyễn Mạnh Đông – Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, thông tin và tư liệu, Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; Ths. Trần Hữu Duy Minh – giảng viên khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao và các đại diện đến từ Khoa Luật Đại học kiểm sát, Khoa Luật Viện đại học mở Hà Nội… Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, có sự tham gia của các giảng viên của các Khoa Pháp luật quốc tế, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Khoa Pháp luật hình sự, Khoa Pháp luật dân sự, Khoa Pháp luật hành chính – nhà nước, Khoa Pháp luật kinh tế, Khoa đào tạo tại chức, Viện Luật so sánh, đại diện Phòng Quản lý khoa học và trị sự tạp chí. Hội thảo cũng nhận được sự tham gia đông đảo các bạn sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trình bày tại Hội thảo, các diễn giả đã cung cấp một bức tranh tổng quan về khái niệm Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), giúp người nghe phân biệt được Vùng nhận diện phòng không với các vùng khác như: vùng trời quốc gia, vùng trời quốc tế, vùng thông báo bay… Các diễn giả cũng đưa ra thực tiễn thiết lập ADIZ của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ADIZ của Trung Quốc, vì khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng ADIZ của mình, các quốc gia khác đã có những phản ứng trái chiều.
Hội thảo cũng nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến đóng góp từ các khách mời. TS. Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện biển Đông, Học viện Ngoại giao cho rằng, Hội thảo này rất cần thiết và bổ ích vì đã cung cấp những thông tin hữu ích cho sinh viên, giúp sinh viên tiếp cận được những kiến thức chuyên sâu về luật quốc tế; đồng thời giúp sinh viên nhận thức được pháp luật quốc tế là một công cụ pháp lý vô cùng quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia./.
Thu Thủy