HỘI THẢO KHOA HỌC: PHÁP LUẬT ASEAN – 50 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Đăng vào 29/05/2017

Trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hưởng ứng Tuần lễ nghiên cứu khoa học năm 2017, sáng ngày 24/5/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ để: “Pháp luật ASEAN – 50 năm hình thành và phát triển”.

  

 

Tham dự Hội thảo có TS. Lê Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – thương binh và xã hội; GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và kinh tế ASEAN; TS. Vũ Đức Long – nguyên Cục  trưởng Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp; các đại biểu đến từ Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp, Vụ đối ngoại - Văn phòng Quốc hội, Học viện Tư pháp, Trường Đại học Kiểm sát, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao, Học viện An ninh nhân dân, Khoa Kinh tế luật - Trường Đại học Thương mại, Học viện Chính trị quốc gia, Đại học Vinh, các cơ quan báo chí… cùng đông đảo các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo do TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng và ThS. Lê Minh Tiến – Phó Chủ nhiệm Khoa pháp luật quốc tế đồng chủ trì.

 

 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích quá trình hình thành và phát triển của ASEAN và Cộng đồng ASEAN; làm rõ các đặc trưng và vai trò của pháp luật Cộng đồng ASEAN; đánh giá về các vấn đề pháp lý của Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN (ASCC); làm rõ các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành tiêu biểu của ASEAN như tương trợ tư pháp hình sự ASEAN, tự do hoá thương mại hàng hoá ASEAN, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quốc gia và nhà đầu tư ASEAN, đảm bảo môi trường bền vững ASEAN; đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN và triển vọng của quan hệ hợp tác này… 

  

 

     Các đại biểu đều đánh giá chung, sau một nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, ASEAN đã được không ít thành công nhưng đồng thời cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Để giải quyết được những điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn hơn từ ASEAN cũng như mỗi quốc gia thành viên. Cùng với quá trình phát triển của ASEAN, pháp luật ASEAN cũng đã có sự phát triển đáng kể, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác toàn diện giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu về một tổ chức quốc tế hoạt động theo pháp luật thì khuôn khổ pháp lý của ASEAN vẫn còn những  vấn đề cần hoàn thiện. Đối với Việt Nam, sau 22 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của tổ chức này, được đánh giá là một thành viên “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự phát triển hơn nữa của ASEAN trong thời gian tới cũng như vai trò của Việt Nam trong tổ chức này.

 

  

 

Với những kết quả trên, TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá: Hội thảo đã tạo ra được một diễn đàn để các cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên trong trường và các nhà nghiên cứu khoa học, những người làm công tác thực tiễn trao đổi, nghiên cứu về pháp luật ASEAN và các vấn đề liên quan tới pháp luật ASEAN. Đây là luận cứ khoa học để các nhà nghiên cứu đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật ASEAN đồng thời là nguồn tài liệu hữu ích cho công tác học tập, nghiên cứu của Trường Đại học Luật Hà Nội./.

Quỳnh Hoa