Nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trao đổi về án lệ từ góc độ khoa học, quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng; làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của án lệ trong thực tiễn ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, đặc biệt là các nước theo truyền thống pháp luật châu Âu lục địa đồng thời đưa ra những kiến nghị khoa học góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động xây dựng án lệ, phát huy hiệu quả của việc áp dụng án lệ trong thực tiễn pháp luật ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân hiện nay ở nước ta, sáng ngày 4/7/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế: “Án lệ - lý luận và thực tiễn ở Việt Nam và các nước”.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Văn Nhạc, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và quản lý khoa học, Toà án nhân dân tối cao; đại diện Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội; khoa luật, Học viện ngoại giao; Khoa luật, Đại học thương mại; Học viện tư pháp. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có: TS. Lê Tiến Châu, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng và đại diện các khoa, phòng, viện, trung tâm. Hội thảo cũng có sự tham gia của đông đảo sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Tiến Châu nói: “Mặc dù đã được công nhận, song án lệ vẫn còn là vấn đề mới trong khoa học pháp lý và thực tiễn pháp lý của Việt Nam. Vị thế của án lệ vẫn chưa thực sự chắc chắn trong đời sống pháp luật. Liên quan tới án lệ vẫn còn những câu hỏi cần được các nhà khoa học nghiên cứu, trả lời. Chính vì vậy, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế “Án lệ - lý luận và thực tiễn ở Việt Nam và một số nước”. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học pháp lý tiếp tục trao đổi làm rõ vị trí vai trò, tầm quan trọng của án lệ trong thực tiễn; từ đó đưa ra những kiến nghị khoa học nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động xây dựng án lệ, phát huy hiệu quả việc áp dụng án lệ trong thực tiễn ở Việt Nam.”
Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực án lệ đến từ Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản và Việt Nam; 22 báo cáo khoa học, phản ánh lý luận và thực tiễn về án lệ của các quốc gia điển hình trong lĩnh vực án lệ cũng như nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Hội thảo: “Án lệ - lý luận và thực tiễn ở Việt Nam và các nước” đã hội tụ nguồn tri thức lớn và mang tính đại diện cao. Ban tổ chức Hội thảo cũng đã thành lập Tiểu ban phản biện để góp ý hoàn thiện các báo cáo. Các báo cáo sẽ tiếp tục được hoàn thiện sau Hội thảo và được lựa chọn để công bố trong kỷ yếu khoa học của Hội thảo./.
Hồng Thu