Tiếp nối một chuỗi chương trình Talk on International Law (TOIL), ngày 8/8/2017, Bộ môn Công pháp quốc tế - Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề số 04 với chủ đề: “UPR và những thách thức đối với Việt Nam trước chu kỳ kiểm điểm thứ 3”. Diễn giả trong buổi nói chuyện lần này là ThS. Trần Chí Thành – Trợ lý Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao, một trong những chuyên gia của Việt Nam trực tiếp tham gia vào 2 chu kỳ kiểm điểm trước Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc.
Kiểm điểm định kỳ phổ quát – Universal Periodic Review (UPR) là một quy trình đặc biệt, bao gồm việc kiểm điểm định kỳ những báo cáo về nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. UPR là một sáng kiến quan trọng của Hội đồng nhân quyền dựa trên việc đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên, tạo cơ hội cho các quốc gia công bố những hành động cụ thể mà họ đã thực hiện nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở đất nước mình. Ngoài ra, UPR còn đề cao sự chia sẻ về cách thức và kinh nghiệm thực thi nhân quyền giữa các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc.
UPR được Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thiết lập vào ngày 15/3/2006 trên cơ sở Nghị quyết 60/251 và các văn kiện xây dựng thiết chế A/HRC/RES/511, Nghị quyết 16/21 và Quyết định 17/119 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Là một thành viên của Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng nhân quyền nói riêng, Việt Nam luôn được đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ về đảm bảo, thúc đẩy quyền con người, trong đó có việc tham gia vào quy trình UPR.
Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công hai báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR vào năm 2009 và năm 2014. Qua 2 lần tiến hành đánh giá, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị cho chu kỳ đánh giá thứ 3 của Việt Nam.
Diễn giả là người đại diện Việt Nam tham dự nhiều phiên họp về nhân quyền của Liên hợp quốc. Với những kinh nghiệm thực tiễn của mình, những nội dung mà diễn giả trình bày tại buổi nói chuyện đã đem lại cho sinh viên một bức tranh toàn cảnh về cơ chế UPR cũng như những thách thức, khó khăn mà một quốc gia (trong đó có Việt Nam) cần phải đối diện khi tiến hành quy trình này. Bên cạnh đó, diễn giả cũng đưa ra rất nhiều thông tin, số liệu thực tế về quá trình Việt Nam thực hiện các khuyến nghị chấp thuận từ 2 chu kỳ kiểm điểm trước. Các khuyến nghị chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; hợp tác quốc tế về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người…
Đối với các khuyến nghị Việt Nam đã chấp nhận ở chu kỳ 2, sau hơn 2 năm thực hiện, từ tháng 6/2014 đến hết ngày 31/12/2016, trong số 182 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận, 147 khuyến nghị đã được triển khai thực hiện và 4 khuyến nghị được thực một phần, đạt 80.7%. Mặc dù các khuyến nghị đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động triển khai; tuy nhiên, diễn giả cũng cho rằng việc thực hiện các khuyến nghị trên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Ví dụ như công tác triển khai các chương trình an sinh xã hội còn hạn chế do nhiều địa phương chịu tác động nặng nề của biển đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường; luật pháp, chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; công tác triển khai ở địa phương còn khó khăn, thiếu tính đồng bộ…
Buổi nói chuyện diễn ra rất sôi nổi và thu hút được sự quan tâm của các thầy cô và các bạn sinh viên. Nhiều câu hỏi đã được gửi đến diễn giả, trong đó có cả những ý kiến mang tính đề xuất, “hiến kế” cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các khuyến nghị. Những kinh nghiệm mà diễn giả mang đến cho các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên các lớp theo học môn Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người là rất bổ ích và thiết thực./.
Minh Trang