Sáng ngày 29/8/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Trường: “Vấn đề giáo dục thể chất trong sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội”.
Tham gia Hội thảo, có nhiều đại biểu đến từ Tổng cục thể dục thể thao; các trường: Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh; Trường Đại học sư phạm thể dục thể thao Hà Nội; Bộ môn giáo dục thể chất, Học viện báo chí & tuyên truyền; Bộ môn giáo dục thể chất, Trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội; Bộ môn giáo dục thể chất, Trường Đại học ngoại thương; Bộ môn giáo dục thể chất, Trường Đại học kinh doanh & công nghệ Hà Nội. Hội thảo cũng có sự tham gia của đông đảo sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
TS. Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng và thầy Ngô Khánh Thế, Trưởng Bộ môn giáo dục thể chất, Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Nhà trường, TS. Chu Mạnh Hùng đã cảm ơn sự tham gia của các đại biểu tham dự Hội thảo. Phó Hiệu trưởng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của Ban tổ chức và mong muốn Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với các chuyên đề được trình bày tại Hội thảo.
21 chuyên đề của Hội thảo xoay quanh vấn đề giáo dục thể chất tuổi trẻ học đường và nhiều ý kiến đưa ra tại Hội thảo đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc giáo dục thể chất đối với mỗi người nói chung và đối với học sinh, sinh viên nói riêng; nêu rõ thực trạng cũng như các yêu cầu đặt ra trong công tác giảng dạy môn học giáo dục thể chất…
Phát biểu tiếp thu và kết luận Hội nghị, TS. Chu Mạnh Hùng đã cảm ơn ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, TS. Chu Mạnh Hùng đề nghị Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến đóng góp, tổng hợp, nghiên cứu và triển khai nhằm đổi mới chương trình giảng dạy môn học giáo dục thể chất ngày càng phù hợp, hiệu quả hơn./.
Sau đây là trích đăng nội dung một số chuyên đề tham gia Hội thảo: “Vấn đề giáo dục thể chất trong sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội”:
“Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Từ quan điểm đó, sau này Hồ Chí Minh đã chỉ ra một cách cụ thể về giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng, giáo dục toàn diện đó là “Thể dục kết hợp với gìn giữ vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục.” Bốn mặt giáo dục đó có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó thể dục là tiền đề đầu tiên để phát triển các mặt giáo dục khác. (Chuyên đề: “Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thể dục, thể thao” của Th.s. Đinh Quang Tuấn, Trưởng Bộ môn GDTC, Học viện báo chí & tuyên truyền).
“Yếu tố ảnh hưởng, tác động mạnh nhất đến mức độ phát triển thể chất là đời sống kinh tế xã hội (điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chế độ vệ sinh, nghỉ ngơi…). Bên cạnh đó, chế độ hoạt động thể lực (chế độ lao động và hoạt động TDTT) đặc biệt là hoạt động TDTT là yếu tố có ảnh hưởng, tác động lớn đến mức độ phát triển thể chất, thể trạng của cơ thể con người”. (Chuyên đề: “Đặc điểm tâm sinh lý và sự phát triển các tố chất thể lực của lứa tuổi học sinh, sinh viên” của TS.GVC, Bác sĩ Nông Thị Hồng, nguyên Trưởng bộ môn Y sinh, Trường Đại học sư phạm thể dục thể thao Hà Nội).
“Thể dục là một hệ thống phương tiện và phương pháp chuyên môn được chọn lọc và thực hiện theo những nguyên lý khoa học nhằm phát triển cơ thể toàn diện và hoàn thiện khả năng vận động.
Mặc dù có sự phân biệt trong tuyển dụng lao động cho các ngành nghề giữa nam và nữ, song đòi hỏi sức khỏe người lao động là nữ luôn được tăng cường và có liên quan đến năng suất, thu nhập của lao động nữ giới. Mặt khác, người phái nữ có trách nhiệm nặng nề hơn, do chức năng làm mẹ, nuôi và giáo dục con cái. Không có người phụ nữ nào không có nguyện vọng sức khỏe. Phái nữ đến với các hoạt động TDTT còn như một nhu cầu quan trọng của đời sống tinh thần. Nguyện vọng chân chính của phái nữ tham gia hoạt động TDTT luôn gắn với mục đích sức khỏe và vẻ đẹp thân thể”. (Chuyên đề: “Một số chỉ dẫn về phương pháp tập luyện môn thể dục dành cho phụ nữ” của ThS.GVC. Trần Thị Tuyết Lan, nguyên trưởng bộ môn thể dục, Trường Đại học sư phạm thể dục thể thao Hà Nội).
“Cùng với sự chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của học sinh sinh viên, GDTC và thể thao với bản chất là vận động, là một phương tiện hữu ích, hợp lý giữa chế độ học tập và nghỉ ngơi tích cực, giữ gìn và nâng cao sức khỏe, năng lực hoạt động trong tất cả các thời kỳ học tập. Việc học GDTC còn có tác dụng quan trọng trong quá trình rèn luyện đạo đức, ý chí và thẩm mỹ cho lớp trẻ”. (Chuyên đề: “Giải pháp nâng cao giáo dục thể chất cho sinh viên các Trường không chuyên thể dục thể thao” của TS. Trần Thị Kim Tuyến, Trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh)./.
Hồng Thu