Hội thảo khoa học quốc tế: “Pháp luật cạnh tranh - Kinh nghiệm của Đức trong bối cảnh sửa đổi Luật Cạnh tranh của Việt Nam”

Đăng vào 21/10/2017

Tiếp tục chuỗi sự kiện của tuần lễ pháp luật Việt - Đức, ngày 12/10/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp với Viện FES tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Pháp luật cạnh tranh - Kinh nghiệm của Đức trong bối cảnh sửa đổi Luật Cạnh tranh của Việt Nam”.

                                

Tham gia Hội thảo, về phía Đức có: Ông Anton Spinty, đại diện Đại sứ quán CHLB Đức; ông Erwin Schweisshelm, Trưởng Đại diện Văn phòng Viện FES tại Việt Nam và các giáo sư đến từ các trường đại học hàng đầu của CHLB Đức: GS. TS. Jürgen Kessler - Đại học Kinh tế - kỹ thuật Berlin; GS. TS. Von Hauff, ĐHTH Kỹ thuật Kaiserslautern; TS. Sina Fontana, ĐHTH Georg-August Göttingen.

Về phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức: Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dung, Bộ Công thương; Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Viện Nhà nước và pháp luật; đại diện Khoa luật của các trường đại học, viện nghiên cứu… TS. Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, ThS. Hoàng Minh Chiến, Phụ trách Bộ môn Luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng GS. TS. Jürgen Kessler - Đại học Kinh tế - kỹ thuật Berlinchủ trì buổi Hội thảo. 

                                

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Chu Mạnh Hùng nói: Nghị Quyết số 34/2017/QH14 ngày 08/06/2017 của Quốc Hội XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đã đưa Luật cạnh tranh (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Theo tiến độ, Luật cạnh tranh sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2017) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2018). Đặt trong bối cảnh đó, tôi hoan nghênh sự hợp tác, phối hợp giữa Viện FES của CHLB Đức và Trường Đại học Luật Hà Nội của Việt Nam trong việc tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề  “Pháp luật cạnh tranh - Kinh nghiệm của Đức trong bối cảnh sửa đổi Luật Cạnh tranh của Việt Nam”. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng như những người làm thực tiễn cùng các chuyên gia đại diện của CHLB Đức trao đổi, chia sẻ nội dung chính sách, pháp luật, kinh nghiệm thực thi pháp luật về cạnh tranh và gợi mở những bài học cho việc hoàn thiện lĩnh vực pháp luật cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên.

Với 11 chuyên đề, trong đó có 06 chuyên đề của các chuyên gia pháp luật cạnh tranh Việt Nam và 05 chuyên đề của chuyên gia Đức, Hội thảo đã diễn ra sôi nổi và kéo dài trong hai phiên liên tiếp. Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung quan trọng của Luật Cạnh tranh (sửa đổi), như: các dạng hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và mô hình cơ quan cạnh tranh. Các đại biểu tham luận rất thẳng thắn và đưa ra nhiều góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật Cạnh tranh sắp tới. Các chuyên gia Đức cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh tại CHLB Đức và những gợi ý cho lần sửa đổi này của Luật Cạnh tranh Việt Nam. 

                                

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng cảm ơn sự tham gia của các đại biểu tham dự Hội thảo và khẳng định những góp ý và kinh nghiệm được chia sẻ tại diễn đàn này sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ và gửi lên các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm soạn thảo và thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi); đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành tới Viện FES, Trung tâm Pháp luật Đức đã là cầu nối hỗ trợ tích cực, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác trao đổi nghiên cứu. Phó Hiệu trưởng cũng bày tỏ hi vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp./.

ThS. Phạm Phương Thảo