Thực hiện kế hoạch của Đề án “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012”, chiều ngày 28 tháng 8 năm 2018, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Đổi mới quản trị đại học. Hội thảo do PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - chủ nhiệm Đề án chủ trì.
PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì Hội thảo
Sau 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trước thực tiễn đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Nhằm tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội đã được giao thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia với tên gọi: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012”. Hội thảo này nhằm tạo diễn đàn nghiên cứu, thảo luận các nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới quản trị đại học - một trong bốn chính sách lớn định hướng sửa đổi Luật Giáo dục đại học.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến (ảnh trái) và PGS.TS. Đặng Bá Lãm phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục: Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Vụ trưởng Vụ văn hóa giáo dục, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo; TS. Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp; PGS.TS. Lê Minh Thắng - Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Viện Đại học mở Hà Nội; TS. Phạm Lan Dung - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao; TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương;... Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục: TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Đặng Bá Lãm - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; LS. Nguyễn Kim Dung - Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam; PGS.TS. Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học kinh tế Quốc dân; TS. Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam;... cùng các thành viên nhóm nghiên cứu Trường Đại học Luật Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí đánh giá: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, các cơ sở giáo dục đại học cần có sự đổi mới nhằm nâng cao vị thế, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của xã hội. Trong đó, đổi mổi quản trị đại học là yếu tố quan trọng, thậm chí được đánh giá là khâu then chốt trong đổi mới giáo dục đại học. Thực tiễn cũng cho thấy, các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều là các trường có hệ thống quản trị vận hành tốt.
TS. Lê Viết Khuyến (ảnh trái) và LS. Nguyễn Kim Dung phát biểu tại Hội thảo
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã thảo luận một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến quản trị đại học như: lý luận về quản trị đại học; thực tiễn quản trị đại học tại Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm mô hình quản trị đại học trên thế giới, đặc biệt là mô hình quản trị đại học tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Australia, Pháp, Singapore... Các thiết chế của quản trị đại học: Hội đồng trường, Hiệu trưởng, mối quan hệ cấp Ủy - Hội đồng trường - Hiệu trưởng ứng với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học: tư thục, đại học công lập, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam... cũng được các đại biểu phân tích cụ thể. Các đại biểu thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam hiện nay như: Nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế Hội đồng trường thông qua các quy định về thành viên Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, nguyên tắc làm việc của Hội đồng trường..; làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng, đặc biệt trong mối quan hệ với Hội đồng trường; xây dựng và hoàn thiện quy định về các thiết chế quản trị khác như Đại hội đồng cổ đông, Ban kiểm soát...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh thay mặt Trường Đại học Luật Hà Nội cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia. Đây là một trong những nguồn tham khảo hữu ích cho Trường Đại học Luật Hà Nội và Nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện Đề án./.
Quỳnh Hoa