Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Đề án khoa học: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học năm 2012”, sáng ngày 19/11/2018, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học”. Hội thảo do PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Đề án chủ trì.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo: PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; NGƯT.PGS.TS. Chu Hồng Thanh - Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục, TNTN&NĐ của Quốc hội; PGS.TS. Vũ Cao Đàm - Chủ tịch HĐKH&ĐT, Viện Chính sách và quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; GS.TSKH.NGND. Đặng Ứng Vận - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Hóa học; PGS.TS. Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; bà Trần Thị Phương Nam - Văn phòng Chương trình Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo;... cùng các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
Quyền tự chủ đại học (University Autonomy) được xem là quyền đương nhiên của cơ sở giáo dục đại học, gắn liền với lý do tồn tại đại học. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học đã được thừa nhận từ Luật Giáo dục năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, một phần quan trọng do nhận thức, do những vướng mắc về cơ chế, do thói quen quản lý kế hoạch tập trung... một phần quan trọng khác là do chính các cơ sở giáo dục đại học chưa đủ năng lực, chưa đủ điều kiện, chưa sẵn sàng thực hiện quyền tự chủ,... Mặc dù Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã giải quyết được khá tốt, khá nhiều vấn đề đang gây ra những điểm nghẽn về tự chủ đại học, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục có những nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật cũng như tìm hiểu rõ nguyên nhân, rào cản, thách thức đối với việc thực hiện quyền tự chủ đại học để triển khai có hiệu quả Luật khi được thông qua.
Hướng tới mục tiêu này, tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục làm rõ nội hàm của quyền tự chủ đại học; đánh giá những điểm tích cực, điểm còn tồn tại, thiếu sót của Dự thảo luật và đề xuất kiến nghị hoàn thiện; đề xuất các giải pháp thực thi có hiệu quả quy định của Luật trên thực tế... Theo đó, các đại biểu cho rằng, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phải dựa trên các nguyên tắc: trách nhiệm giải trình; minh bạch; đảm bảo chất lượng; có hiệu suất và hiệu quả. Về phạm vi, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học bao gồm các phương diện học thuật và phi học thuật. Quyền tự chủ ở phương diện học thuật bao hồm việc thiết lập các chuẩn mực và chính sách hoạt động để thực hiện sứ mệnh. Quyền tự chủ ở phương diện phi học thuật bao gồm việc thiết lập các chuẩn mực và chính sách hoạt động và thực hiện về: tổ chức, tài chính, công tác sinh viên, nhân sự, các phương tiện và cơ sở hạ tầng. Trong từng nội dung, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học cũng cần được nâng cao. Điều cốt lõi cần phải được thống nhất là thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục và đề cao vai trò nhà nước quản lý thống nhất đối với hệ thống giáo dục quốc dân là không mâu thuẫn nhau, thực hiện quyền tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý.
Để có thêm cơ sở cho việc đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật, các đại biểu cũng tham khảo và dẫn chiếu quy định về tự chủ đại học của nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh cảm ơn sự cộng tác tích cực, hiệu quả của các chuyên gia đối với Ban thực hiện Đề án cũng như với Trường Đại học Luật Hà Nội trong suốt thời gian qua. Những kết quả nghiên cứu thu được tại Hội thảo không chỉ đóng góp trực tiếp cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học năm 2012 mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển và hội nhập./.
Quỳnh Hoa