TỌA ĐÀM CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHÀ KHOA HỌC NỮ TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC - QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Đăng vào 07/03/2019

Thiết thực hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, đồng thời tạo diễn đàn khoa học để cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Trường chia sẻ quan điểm đa chiều về chính sách đối với các nhà khoa học nữ nói chung và các nhà khoa học nữ của Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng, sáng ngày 06/3/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Chính sách đối với nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học - Quy định pháp luật và thực tiễn tại Trường Đại học Luật Hà Nội”.

 

 

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo: TS. Nguyễn Thị Thanh Hà - Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học tự nhiên và xã hội, Bộ Khoa học và công nghệ; TS. Nguyễn Kiều Oanh - Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Đại học quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Thị Phương Nga - Tổng thư ký Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hà Lan, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; bà Trần Thị Diệu Thúy - đại diện Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Bộ Tư pháp; PGS.TS. Dương Tuyết Miên - Phó Giám đốc Học viện Tòa án; TS. Lương Văn Tuấn - Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Hoàng Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Lê Hoài Thu - Chi Hội phó Chi hội nữ tri thức, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội... Về phía đơn vị tổ chức có TS. Chu Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện lãnh đạo các đơn vị, cùng đông đảo các nhà khoa học nữ của Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

 

Bình đẳng giới là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước được ghi nhận trong các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt lồng ghép vấn đề giới trong nội dung các văn bản pháp luật là một trong những nguyên tắc của xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, chính sách đối với cán bộ khoa học được quy định tại một số văn bản như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI; Luật Khoa học và công nghệ năm 2013; Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ; Nghị định số 87/2014 ngày 22/9/2014 của Chính phủ; Quyết định số 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở phân tích các văn bản này, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan đánh giá vấn đề giới chưa được lồng ghép và thể hiện một cách rõ ràng trong xây dựng chính sách đối với cán bộ khoa học.

 

 

Trên cơ sở quy định của pháp luật về chính sách đối với nhà khoa học, mỗi cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo căn cứ vào điều kiện, đặc đù của đơn vị để cụ thể hóa các chính sách đối với nhà khoa học nữ nhằm điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy và nâng cao vai trò của nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học. Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, cán bộ, viên chức nữ chiếm đến 70% tổng số cán bộ, viên chức (trong đó đa số là các nhà khoa học), đang giữ vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu cũng như sự phát triển của Nhà trường. Nhằm đảm bảo quyền và thúc đẩy sự tham gia của các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học,  vấn đề bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề về giới trong các quy định, chính sách của Nhà trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đảng ủy, được cụ thể hóa trong chính sách sử dụng, trọng dụng các nhà khoa học nữ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế hỗ trợ tài chính, phúc lợi, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nhìn chung chủ trương này chưa được cụ thể hóa một cách đồng bộ, toàn diện. Từ thực tế đó, các đại biểu đã đưa ra kiến nghị xây dựng các chính sách đặc thù đối với nhà khoa học nữ của Trường Đại học Luật Hà Nội liên quan đến chính sách sử dụng, tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực trẻ; chính sách đào tạo, bồi dưỡng; thời gian làm việc, nghỉ ngơi; định mức nghiên cứu, giảng dạy; cơ chế thi đua khen thưởng; cơ chế hỗ trợ tài chính...

 

 

Tọa đàm cũng được nghe chia sẻ của TS. Phạm Thị Phương Nga về kinh nghiệm tham gia chương trình học bổng Marie Curie của EU; chia sẻ của TS. Nguyễn Kiều Oanh về kinh nghiệm xây dựng chính sách đối với nhà khoa học nữ của Đại học quốc gia Hà Nội.

 

 

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá: cán bộ, viên chức nữ nói chung, nhà khoa học nữ nói riêng là lực lượng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường. Những đề xuất của các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng như những kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo khác là một trong những cơ sở để Nhà trường nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù đối với nhà khoa học nữ. Đồng thời đây cũng là dịp để các đơn vị quản lý, tổ chức hữu quan nghe được tiếng nói từ cơ sở để tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng chính sách, pháp luật. Cũng nhân dịp này, TS. Chu Mạnh Hùng trân trọng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến các đại biểu tham dự Tọa đàm và nữ cán bộ, viên chức Trường Đại học Luật Hà Nội.

Quỳnh Hoa