Nhằm từng bước hiện thực hóa sứ mạnh của Trường Đại học Luật Hà Nội là trường Đại học theo định hướng nghiên cứu, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của Trường và khả năng triển khai các nghiên cứu chuyên sâu, hình thành các Trường phái khoa học, các Trung tâm nghiên cứu; nâng cao năng lực cạnh tranh về nghiên cứu khoa học pháp lý và liên ngành trên phương diện quốc gia và quốc tế, chiều ngày 14/5/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Tọa đàm về xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là một trong chuỗi hoạt động của “Tuần lễ nghiên cứu khoa học năm 2019” – Sự kiện được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và chào mừng 40 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tọa đàm có sự tham dự của các Giáo sư, Phó Giáo sư là giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của Trường, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các khoa chuyên môn, các phòng ban của Nhà trường. Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham dự của: GS.TS. Hoàng Thế Liên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; GS.TS. Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ pháp lý - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng chủ trì Tọa đàm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế và đứng trước thách thức của cuộc Cách mạng 4.0 thì việc duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của bất cứ trường đại học nào. Để làm được việc này thì một trong những giải pháp là nâng cao năng lực NCKH, công bố quốc tế thông qua việc hình thành Nhóm nghiên cứu mạnh. Đây là con đường mà các trường đại học lớn trên thế giới và ở Việt Nam đã và đang thực hiện; Trường Đại học Luật Hà Nội cũng nằm trong lộ trình đó.
Kể từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có một đội ngũ các nhà khoa học không chỉ hùng hậu về mặt số lượng mà còn có chất lượng và trình độ chuyên môn cao ở tất cả các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành. Tính đến ngày 01/04/2018, số cán bộ, giảng viên là 297 người/tổng số 433 cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường (chiếm tỷ lệ khoảng 68,59%); trong đó, số cán bộ, giảng viên có học vị từ tiến sĩ luật trở lên là 122/297 người (chiếm tỷ lệ khoảng 41,06%), cụ thể: GS: 04 người (chiếm tỷ lệ khoảng 0,016%); PGS: 38 người (chiếm tỷ lệ khoảng 12,79%); TS: 80 người (chiếm tỷ lệ khoảng 26,96%). Tuy vậy, chất lượng các sản phẩm NCKH của Trường Đại học Luật Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng của một cơ sở đào tạo luật xếp vào tốp đầu ở nước ta; số lượng các công bố quốc tế còn khiêm tốn.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng và đánh giá nhu cầu hình thành nhóm nghiên cứu mạnh tại Trường Đại học Luật Hà Nội, các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Việc thành lập nhóm nghiên cứu mạnh là nhu cầu cấp thiết của Trường Đại học Luật trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng Nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực, chất lượng NCKH của nhà trường tiếp cận với các chuẩn mực của quốc tế; góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Trường Đại học Luật Hà Nội. Trên cơ sở đó cùng với việc tham khảo kinh nghiệm xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế quốc dân, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất: các thức thành lập; điều kiện đối với các thành viên, trưởng nhóm; cách thức hỗ trợ của Nhà trường…
Phát biểu bế mạc Tọa đàm: TS. Chu Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trường Đại học Luật Hà Nội hội tụ đủ hai yếu tố nhu cầu và năng lực để xây dựng các Nhóm nghiên cứu mạnh. Các ý kiến góp ý của các đại biểu tại Tọa đàm sẽ được Hội đồng Khoa học và Đào tạo tham khảo để tham mưu cho Ban Giám hiệu thành lập các Nhóm nghiên cứu mạnh trong thời gian sớm nhất. Nhân dịp này, TS. Chu Mạnh Hùng thay mặt lãnh đạo Nhà trường tri ân những đóng góp của các Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà khoa học - những người đã, đang gắn bó, cống hiến to lớn sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu của Nhà trường; đồng thời bày tỏ mong muốn các nhà khoa học tiếp tục đồng hành và đóng vai trò là lực lượng nòng cốt xây dựng Trường thành Trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật./.
Quỳnh Hoa