Thực hiện Thỏa thuận nguyên tắc hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Khoa học pháp lý, sáng ngày 15/5/2019, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Khoa học pháp lý phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu khoa học pháp lý trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là một trong chuỗi hoạt động của “Tuần lễ nghiên cứu khoa học năm 2019” – Sự kiện được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và chào mừng 40 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Hữu Huyên – Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cùng đại diện các cơ quan, đơn vị: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Tư pháp, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân… Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ, lĩnh vực pháp lý: TS. Bùi Quý Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Lê Huy Hòa - Chuyên gia chính sách Công nghệ thông tin; ThS.LS. Trần Anh Huy - Trưởng Phòng pháp chế cấp cao Tổ hợp Samsung Việt Nam và các nghiên cứu viên, giảng viên của Viện Khoa học pháp lý và Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trong những năm gần đây, cuộc “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay còn được gọi là “Cách mạng công nghiệp 4.0” là từ khóa được tất cả các quốc gia, các tầng lớp trong xã hội quan tâm, tìm hiểu. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ cốt lõi như kỹ thuật blockchain (chuỗi khối), trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), Internet vạn vật (Internet of Things – TOT), công nghệ thực tại ảo (virtual reality –VR) v.v. đã và đang tác động trực diện tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội từ lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tới quản trị xã hội. Những thay đổi về phương thức quản lý xã hội của Nhà nước cũng như phương thức giao dịch giữa các chủ thể dân sự trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra hàng loạt vấn đề mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam và từ đó, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền khoa học pháp lý xét ở nhiều phương diện khác nhau như chủ đề nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu; nhân lực khoa học công nghệ; thiết chế quản lý nghiên cứu và cả mối liên kết trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học pháp lý.
Với mục đích tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đối với thực trạng nghiên cứu khoa học pháp lý của Việt Nam hiện nay, tại Hội thảo, các tham luận tập trung vào các nội dung: Phân tích bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đánh giá các tác động cũng như những vấn đề đặt ra đối nghiên cứu khoa học pháp lý của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Phân tích và làm rõ những thay đổi về tư duy pháp lý và phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0; Bước đầu nhận diện những vấn đề mới của khoa học pháp lý trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong một số lĩnh vực cụ thể như: vấn đề trí tuệ nhân tạo, hợp đồng điện tử, tiền ảo và thanh toán dựa trên tiền ảo, pháp luật lao động, pháp luật ngân hàng trong bối Cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 v.v..; Bước đầu đánh giá tác động và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự tại tòa án và vấn đề phát triển dịch vụ công dựa trên nền tảng internet và trí thông minh nhân tạo.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của cuộc Cách mạng này là những vấn đề phức tạp, còn có những quan điểm khác nhau tranh luận. Nhiều vấn đề vẫn chưa thật sự rõ ràng về bản chất pháp lý. Những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo chỉ là những bước tiệp cận khá cơ bản về những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới khoa học pháp lý trong thời gian tới, từ đó gợi mở nhiều chủ đề hơn nữa cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục có những đóng góp trong tương lai./.
Quỳnh Hoa