Ngày 4/10, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “CPTPP – Cam kết và thực thi” với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các giảng viên đến từ cơ sở nhiều cơ sở đào tạo luật trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nêu rõ: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) có hiệu lực từ 30/12/2018 và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/11/2019 có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu nhờ mạng lưới của 11 nước thành viên. Hiệp định này được dự báo sẽ đem lại nhiều thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan, luân chuyển hàng hóa nhanh chóng, mở cửa dịch vụ, bảo hộ đầu tư…
|
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo |
Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, cá nhân, tổ chức kinh tế hay mỗi quốc gia thành viên sẽ đều phải đối mặt với những thách thức, khó khăn cần vượt qua. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển trong khuôn khổ CPTPP, do đó cần phải hiểu rõ các quy định để thực thi tốt các nội dung của Hiệp định này. Vì vậy, Hội thảo hy vọng sẽ là dịp để các nhà khoa học, các đại biểu tham dự trao đổi, chia sẻ quan điểm về các quy định của Hiệp định CPTPP.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề trong khuôn khổ CPTPP như: quy định về thuế quan nhập khẩu, quy định về phòng vệ thương mại, về đầu tư, về mở cửa thị trường dịch vụ xuyên biên giới, các cam kết bảo vệ môi trường trong Hiệp định CPTPP và những thách thức với thể chế ở Việt Nam…
K.Quy
Theo Báo pháp luật Việt Nam