Tới tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long … cùng nhiều lãnh đạo các ban, ngành TƯ và địa phương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Trần Quốc Vượng tới dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập ĐH Luật Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường cho biết, trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã đào tạo và cung cấp hơn 60.000 cán bộ pháp luật, pháp lý cho cả nước.
Kể từ ngày 10/11/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định thành lập trường Đại học Pháp lý Hà Nội với 1.000 sinh viên theo học. Vượt lên trên những khó khăn và thách thức, đến nay trường có quy mô hơn 708 cán bộ, giảng viên, trong đó có 4 GS, 38 PGS và 81 tiến sĩ; cùng hơn 15.000 sinh viên đang học tập trên tất cả các hệ, khoa chuyên môn.
TS Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Luật Hà Nội.
Để tiếp nối và phát huy những kết quả đã đạt được, TS Trần Quang Huy cho biết trong thời gian tới, đại học Luật Hà Nội sẽ thực hiện cơ chế tự chủ, đổi mới mạnh mẽ hơn, phấn đầu nhiều hơn trong cải cách thủ tục hành chính và tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành…
Đồng thời, trường sẽ đưa nhu cầu đào tạo bám sát với chất lượng cơ sở vật và yêu cầu của thị trường lao động; từ đó đảm bảo 100% sinh viên sau khi ra trường sẽ có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo, TS Huy nhấn mạnh.
Với những thành tích và cố gắng trên, Nhà trường từng vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; 2 lần đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ….
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 cho nhà trường.
Có mặt tại lễ kỉ niệm, Phó Thủ Tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực và đóng góp to lớn của nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ về pháp luật cho đất nước suốt 40 năm qua.
Đứng trước những cơ hội và thách thức trong việc hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao nhiệm vụ quan trọng cho thầy và trò trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian tới:
Một là, trường cần xác định rõ chiến lược, vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo, nghiên cứu cơ bản về pháp luật hàng đầu nước ta, góp phần quan trọng cung cấp số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cải cách tư pháp.
Đồng thời, trường cần nỗ lực hơn nữa, xác định rõ mục tiêu, xây dựng kế hoạch cụ thể, giải pháp mạnh mẽ, sáng tọa và đột phá để có xếp hạng tương ứng với năng lực, tầm vóc trong khu vực và trên thế giới.
Hai là, trường cần tiếp tục chú trọng ưu tiên, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Vị thế của một trường đại học không chỉ đo bằng quy mô số lượng mà trước hết được đo bằng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình.
Trường cần có biện pháp tăng cường kiểm soát toàn bộ quá trình đào tạo, kiểm soát chất lượng đầu ra. Đảm bảo mỗi sinh viên sau khi ra tường đạt chuẩn và trang bị đầy đủ kiến thức, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn công dân toàn cầu làm việc trong môi trường quốc tế.
Ba là, cần chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong ngoài nước để triển khai các nghiên cứu khoa học pháp lý cở bản, nghiên cứu vượt trước làm tiền đề cho xây dựng và định hướng kế hoạch, chính sách lớn.
Bên cạnh đó, trường tiếp tục chú trọng các nghiên cứu phục vụ cải cách pháp luật, tư pháp, công bố quốc tế. Từ đó nhằm chia sẻ, truyền bá kết quả phát triển khoa học pháp lý trong nước, nghiên cứu pháp lý phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, thực hiện các cam kết, hội nhập quốc tế.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội.
Bốn là, các đơn vị Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị kĩ lưỡng cho việc tổng kết triển khai thực hiện đề án tổng kể xây dựng đại học Luật Hà Nội và đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trung tâm đào tạo trọng điểm. Từ đó chỉ ra vướng mắc, khó khăn; kể cả việc tiếp tục thực hiện đề án ở giai đoạn tiếp theo, có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Năm là, các Bộ, ban ngành cần phối hợp với địa phương để bố trí nguồn vốn đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 của đại học Luật Hà Nội tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh).
Đồng thời, nhà trường cũng cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tái đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất theo nhu cầu đào tạo và nghiên cứu.
Sáu là, Bộ Tư pháp và Bộ GD&ĐT khẩn trương hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó làm rõ việc phân cấp, quản lý các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trường luật nói riếng. Vừa đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, vừa đảm bảo vai trò của cơ quan quả lý nhà nước đối với đơn vì sự nghiệp công lập.
“Hy vọng các thế hệ giảng viên, sinh viên sẽ tiếp tục cố gắng, phấn đấu theo hướng bền vững trên con đường trở thành trường đại học trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật cho cả nước”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kỳ vọng.
Theo Hà Cường, dantri.com.vn