TUẦN LỄ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2020: Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2019

Đăng vào 23/05/2020

Nhằm đánh giá tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2019, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học để đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của Trường, sáng ngày 22/5/2020, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết nghiên cứu khoa học năm 2019. Tham dự Hội nghị có: TS. Nguyễn Đỗ Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp; TS. Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Quyền chủ tịch Hội đồng Trường, TS. Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng phụ trách, PSG.TS. Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Luật học cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên của Trường.

 

 

Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nghiên cứu khoa học trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, cùng với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên và sinh viên của Trường.

 

 

Báo cáo tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2019 của Trường Đại học Luật cho thấy,  Trường đã chú trọng đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như: Trường đã bảo vệ thành công 03 đề tài khoa học cấp Bộ; 34 đề tài khoa học cấp cơ sở, nhiều đề tài chất lượng tốt, một số đề tài nghiệm thu trước thời hạn; Trường đang triển khai thực hiện 02 đề tài, đề án cấp Nhà nước và 01 đề tài thuộc Quỹ Nafosted; tổ chức thành công 71 hội thảo các cấp, trong đó có 09 hội thảo quốc tế, 13 hội thảo, tọa đàm cấp Trường và 49 hội thảo, toạ đàm cấp Khoa; hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển về quy mô và nâng cao về chất lượng với 110 đề tài tham dự Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó 57 đề tài đạt giải cấp Trường; công bố quốc tế của Trường bước đầu được quan tâm với nhiều bài hội thảo, chuyên đề và các xuất bản phẩm quốc tế; số lượng công bố trong nước cũng tăng nhanh với hơn 300 bài viết của các tác giả là giảng viên của Trường được đăng trên các tạp chí chuyên ngành; Tạp chí Luật học của Trường đang cải cách và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển trong bối cảnh hội nhập để tiến tới trở thành tạp chí uy tín trong khu vực mà trước hết được vào hệ thống trích dẫn của khu vực ASEAN (Asean Citation Index - ACI)... Có được những kết quả đáng ghi nhận trên là do sự quan tâm và trực tiếp chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, sự tư vấn kịp thời về chiến lược, định hướng nghiên cứu của Hội đồng Khoa học và Đào tạo và tổ chức quản lý của Phòng Quản lý khoa học và trị sự Tạp chí. Đặc biệt, phải kể đến sự chủ động tham gia và trách nhiệm của đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn cao, sự thay đổi nhận thức về vai trò của nghiên cứu khoa học và chủ động hơn trong hoạt động nghiên cứu của các giảng viên, trong đó có các giảng viên trẻ.

 

        

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu kể trên, cần phải nhận định một cách thẳng thắn rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường còn khá khiêm tốn so với năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng như chưa thể hiện được vai trò nền tảng, dẫn dắt của cơ sở lớn về đào tạo pháp luật.

Trên cơ sở những kết quả nêu trên, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất đánh giá, Trường Đại học Luật Hà Nội có tiềm lực tốt trong phát triển nghiên cứu khoa học với lực lượng nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn cao, có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, nghiêm túc, hiệu quả. Trường cần tiếp tục xác định mục tiêu khẳng định vị trí, vai trò là cơ sở nghiên cứu cơ bản hàng đầu về pháp luật tại Việt Nam.  


       

 

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, các đại biểu đã thảo luận đưa ra nhiều giải pháp như: Xây dựng thể chế phù hợp, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển: Quy chế Tổ chức hoạt động của Trường, Quy chế quản lý của giảng viên, Quy chế đối với nghiên cứu sinh, Cơ chế tài chính...; Thành lập các nhóm nghiên cứu để tạo lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu khoa học; Xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học; Tạo được môi trường nghiên cứu khoa học có chất lượng trong Trường; Tăng cường nghiên cứu công bố trong nước hướng tới các công bố quốc tế; ... Và giải pháp mang tính căn bản và quyết định nhất chính là sự thay đổi nhận thức của các nhà khoa học, theo đó, cần xác định nghiên cứu khoa học là nhu cầu tự thân của mỗi giảng viên, nhà nghiên cứu.

 

 

Hội nghị là dịp để đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc hơn về công tác nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội trong năm 2019 và rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như đưa ra được nhiều giải pháp để hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường có những bước phát triển mới trong những năm tiếp theo./.

Quỳnh Hoa