Hội thảo chuyên đề về kiểm định chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam

Đăng vào 26/07/2020

Ngày 25/7, Ban điều hành Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về kiểm định chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam.

anh-1-kem-bai-hoi-thao-kiem-dinh-chat-luong-dao-tao-cac-co-so-dao-tao-luat2-w700-h393.JPG

Toàn cảnh buổi hội thảo

Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam được thành lập vào tháng 9/2019 với sự tham gia của hơn 50 trên tổng số 83 cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam. Mạng lưới là diễn đàn và môi trường để các trường đào tạo luật ở Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, cùng hợp tác phát huy thế mạnh, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực đào tạo pháp luật và cùng tham gia đóng góp ý kiến tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật cho các cơ quan nhà nước về lĩnh vực pháp luật và giáo dục, đào tạo pháp luật. 

Hội thảo về kiểm định chất lượng cho ngành Luật Việt Nam nằm trong chuỗi hoạt động Hội nghị thường niên của mạng lưới, trên cơ sở kết quả Hội nghị lần thứ nhất năm 2019. Hội nghị thường niên năm 2020 của Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam được tổ chức tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tại Hội nghị sẽ thông qua các vấn đề về công tác điều hành của mạng lưới và trao đổi các vấn đề chuyên môn. Trọng tâm chương trình Hội nghị là Hội thảo chuyên đề “Kiểm định chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam”nhằm để chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo cho các trường thành viên và Tọa đàm về dự thảo “Bộ tiêu chuẩn xây dựng khung chương trình đào tạo ngành luật” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của PGS. TS Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng trường kinh tế luật – Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh; PGS. TS Đoàn Đức Lương – Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Huế; PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội; PGS. TS Vũ Văn Nhiêm – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư đảng ủy, Q. Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, Đại diệnCục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), và hơn 50 cơ sở đào tạo ngành luật ở Việt Nam.

anh-3-kem-bai-hoi-thao-kiem-dinh-chat-luong-dao-tao-cac-co-so-dao-tao-luat2-w700-h393.JPG

Đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, tiến sĩ Đỗ Anh Dũng,Trưởng phòng kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT), đã khái quát chung về tình hình triển khai việc kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hiện nay. 
Pgs. Ts. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đổng trường ĐH Luật Tp. HCM đã có bài tham luận phát biểu tại hội thảo về chất lượng đào tạo của các cơ sở đao tào luật ở Việt Nam. Pgs Ts Vũ Văn Nhiệm nhấn mạnh: "... Để thực hiện sứ mạng đào tạo và cung cấp nhân lực pháp luật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền, các cơ sở đào tạo luật Việt Nam cần xác định CHUẨN ĐẦU RA phù hợp. Từ chuẩn đầu ra, các trường xây dựng nội dung chương trình đào tạo sao cho từng học phần, từng tín chỉ nhằm hướng tới chuẩn đầu ra đó. Mỗi giai đoạn khác nhau, chuẩn đầu ra có thể được điều chỉnh để phù hợp với từng thời kỳ; vì thế, các cơ sở đào tạo cần rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo; trong trường hợp cần thiết, có thể loại bỏ hay bổ sung các modul, học phần, tín chỉ để hướng tới yêu cầu của chuẩn đầu ra vốn dĩ luôn vận động, thay đổi, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0".

Việc kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai 15 năm qua, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Tính đến nay, cả nước mới có 5 tổ chức (trung tâm) kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập, hoạt động. Nhiệm vụ là kiểm định chất lượng giáo dục, các chương trình đào tạo đạt chuẩn theo quy định trong nước và quốc tế. Các trung tâm kiểm định phải mang tính độc lập. Cả nước có 4/5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đang thuộc các trường đại học; 1 trung tâm còn lại thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nên còn mang tính lệ thuộc.

Tính đến tháng 6/2020, mới chỉ có 254 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá;150 cơ sở giáo dục đại học và 9 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá. Hơn nữa, nhân lực cho việc kiểm định chất lượng đào tạo còn rất mỏng, khi mới chỉ có 346 người được cấp thẻ kiểm định viên để làm công việc kiểm định.

Do đó, việc triển khai kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhỏ giọt, dẫn tới chất lượng đào tạo có phần bị ảnh hưởng, kể cả đối với các cơ sở đào tạo ngành luật.

Sau khi nghe thông tin từ đại diện Bộ GD-ĐT cung cấp về tình hình kiểm định chất lượng giáo dục, đại diện các cơ sở, các trường đào tạo ngành luật đã có những tham luận đóng góp ý kiến, sáng kiến làm sao để nâng cao việc kiểm định chất lượng giáo dục; kinh nghiệm từ các trường trong triển khai đánh giá chất lượng kiểm định; kinh nghiệm trong hoạt động tự đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo…

Theo tiến sĩ Trần Quang Huyên, Phó giám đốc Học viện cảnh sát nhân dân, kiểm định chất lượng giáo dục là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với các trường công an nhân dân nói chung, và Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng. Dù vậy, những năm qua Học viện Cảnh sát nhân dân đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, đã hoàn thành chu kỳ tự đánh giá 3 lần (vào các năm 2009, 2014 và 2019).

Từ quá trình tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục, tiến sĩ Huyên cho rằng, kinh nghiệm trong tự đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo trước tiên phải được sự quan tâm của lãnh đạo trường, hoặc cơ sở đào tạo; tiếp đến là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, học viên, sinh viên; phải chủ động tự đánh giá kiểm định chất lượng đào tạo; và việc tổ chức tự đánh giá phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Có như thế mới có thể nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo.

Một vấn đề nữa tại hội thảo cũng được các cơ sở giáo dục quan tâm, và chú trọng trong thời gian tới, đó là không chỉ tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo, mà cần phải nâng cao hơn nữa kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, để đào tạo tốt hơn đối với các cơ sở giáo dục nói chung, và đối với chuyên ngành đào tạo luật nói riêng.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà giáo đến từ các trường, cơ sở đào tạo ngành luật trong cả nước cũng đã thống nhất tiến tới xây dựng, góp ý xây dựng bộ “Khung chương trình đào tạo khối ngành luật Viên Nam”. Đây sẽ là cơ sở để việc đào tạo ngành luật trong nước ngày càng phát triển.

Theo conglyxahoi.net.vn