Ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì phiên họp Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012”, do Trường ĐH Luật Hà Nội chủ trì, PGS. TS Vũ Thị Lan Anh làm chủ nhiệm.
Đề án thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”.
Tham gia đề án có các giảng viên, chuyên gia đến từ Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật TP HCM, Khoa Luật - ĐHQGHN, các cơ sở giáo dục đại học khác,…
Quang cảnh phiên họp
Đề án đã sưu tầm, tham khảo, so sánh hơn 200 tài liệu, công trình nghiên cứu khác nhau, từ đó tiếp cận theo mục tiêu ứng dụng; khảo sát 4 nhóm đối tượng với quy mô 2.000 người tại 5 thành phố; tổ chức 40 tọa đàm khoa học, 3 hội thảo quốc gia.
Đề án đã hoàn thành 08 báo cáo khoa học, 03 bài báo, đào tạo 03 học viên cao học. Sản phẩm được chuyển giao theo diễn biến xây dựng luật từ năm 2017 đến 2018, đóng góp cho quá trình xây dựng 05 dự thảo Luật khác nhau, kèm Báo cáo tổng kết thi hành, Báo cáo đánh giá tác động tương ứng. Đặc biệt, tham gia đề xuất sửa đổi 56/73 điều của Luật Giáo dục đại học 2012 từ dự thảo 0.
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi được thông qua, đề án tiếp tục đóng góp vào quá trình triển khai thi hành, bao gồm rà soát vấn đề có thể phát sinh khi tự chủ đại học; đề xuất công việc triển khai Luật; Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục đại học để đề xuất giải pháp.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện 9 vấn đề lớn: (1) Những quy định chung của Luật Giáo dục đại học, (2) Tổ chức quản trị cơ sở giáo dục đại học, (3) Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, (4) Hoạt động khoa học và công nghệ, (5) Hoạt động Hợp tác quốc tế, (6) Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, (7) Giảng viên và người học, (8) Tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH, (9) Quản lý Nhà nước về cơ sở giáo dục đại học.
Nhận xét kết quả thực hiện, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, đề án có phương pháp nghiên cứu phù hợp, số liệu tin cậy; các khái niệm, thuật ngữ chính xác; văn phong khoa học, mạch lạc, rõ ràng; cấu trúc nội dung logic; phân tích sâu sắc, lập luận chặt chẽ.
Theo TS Thắng, nhìn chung sản phẩm đạt và vượt so với yêu cầu đặt hàng của Đề án. Các cơ quan, đối tượng tiếp nhận sản phẩm rõ ràng, cụ thể, phù hợp. Các sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao, khả thi trong thực hiện.
TS Thắng đề nghị nhóm nghiên cứu sớm hoàn thiện bản đề xuất, những nội dung tiếp tục cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục đại học sau khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Luật sư Nguyễn Kim Dung, Trường Đại học Anh Quốc Việt nam và Apollo Việt Nam nhận xét, đề tài đã sử dụng các nghiên cứu quốc tế và trong nước có giá trị thực tế để tham khảo và áp dụng liên quan đến các vấn đề cần cấp thiết cần điều chỉnh trong luật như: trao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường, quản lý chất lượng đào tạo trong điều kiện tự chủ đại học, tổ chức và quản trị đại học.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia độc lập, đánh giá, về cơ bản, đề tài đã hoàn thành có chất lượng cao khi đối chiếu với mục đích và nội dung nghiên cứu đề ra.
Đề tài hoàn thành có chất lượng mục tiêu nghiên cứu (bao gồm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể) được thể hiện qua 12 nội dung nghiên cứu đã được đăng ký trong thuyết minh của đề tài.
Ngoài ra, đề tài còn hoàn thành một nội dung mới là Đề xuất những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về giáo dục đại học sau khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Trên cơ sở đó đề tài đã thành công trong việc đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng, dự thảo, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến nghị, Bộ GDĐT sử dụng báo cáo tổng kết làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách về giáo dục đại học trong tiến trình tổ chức thực thi luật. Đồng thời, cần có đề tài nghiên cứu về những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật giáo dục đại học khi đứng trước tác động của đại dịch Covid-19 và yêu cầu chuyển đổi số.
Với những kết quả nghiên cứu, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị nhóm nghiên cứu làm sâu sắc hơn các kiến nghị đã được tiếp thu trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về giáo dục đại học có liên quan. Đặc biệt, cần lưu ý những kiến nghị có tầm nhìn dài hạn.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục