Ngày 3/11, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường về Tổng kết Đề án xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật theo Quyết định 549/QĐ-TTg ngày 04/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ do TS. Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng uỷ, Quyền Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp Nguyễn Đỗ Kiên, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh Vũ Văn Nhiêm cùng các thầy, cô giáo cán bộ chủ chốt của nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, trong đó có đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật. Đặc biệt, hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh được đề cập đến trong Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với tư cách là hai đơn vị, hai cơ sở đào tạo gánh trọng trách lớn trong việc đào tạo cán bộ pháp luật.
Thông qua buổi Hội thảo, Q.Chủ tịch Hội đồng trường mong muốn các đại biểu thẳng thắn, khách quan trao đổi về những khó khăn, vướng mắc cũng như tập trung, ngắn gọn nêu bật những gì đã làm được, chưa làm được trong việc thực hiện mục tiêu mà Quyết định 549 đã đề ra để xây dựng báo cáo tổng kết và định hướng cụ thể trong thời gian tới.
Theo Báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Quyết định số 549, Trường đã nhận được sự quan tâm đầu tư về chủ trương, chính sách và tài chính từ Nhà nước cho các lĩnh vực hoạt động toàn diện của Trường; quy mô và chất lượng đào tạo ngày càng được cải thiện, phát triển, có chiều sâu và định hình theo những chuẩn mực cụ thể. Hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy được kiện toàn, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của đề án; chất lượng sinh viên ngày càng được đầu tư…
Bên cạnh những điểm đã đạt được, công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và một số công tác khác còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như, công tác đào tạo, bồi dưỡng với đội ngũ giảng viên trẻ vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa thực sự sôi nổi và đạt được nhiều kết quả…
Để tiếp tục thực hiện đề án cho đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo phương châm “xây dựng trường thành trường trọng điểm quốc gia và đào tạo cán bộ pháp luật”, Trường đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Đặc biệt, để thu hút đầu vào, Trường đề nghị cần có sự hỗ trợ đầu ra của các cơ quan có liên quan, như TANDTC, VKSNDTC…
Bên cạnh đó, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để cụ thể hoá và triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong Quyết định 549; tư duy và phong cách phục vụ chuyên nghiệp phải được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị và sinh hoạt chính trị tư tưởng hàng đầu…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề như đề xuất phương hướng phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của Trường…
Nguồn: Pháp luật Việt Nam