Đào tạo sau đại học từ lâu đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Luật Hà Nội trên con đường xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình trong đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước. Trong chặng đường gần 30 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn xác định đây chính là nhiệm vụ đột phá, có tính định hướng cho quá trình phát triển của Nhà trường và có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh phấn đấu xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp lý trong giai đoạn tới.
Được sự đồng ý của của Đảng ủy, Ban giám hiệu, sáng ngày 18/11/2020, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Luật Hà Nội – Thực trạng và giải pháp đổi mới để phát triển” nhằm nhận diện, đánh giá thực trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay tại Trường Đại học Luật Hà Nội, chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và gợi mở phương hướng, giải pháp đổi mới để phát triển.
Tới tham dự Hội thảo có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, chủ trì; TS. Nguyễn Văn Tuyến – Trưởng Phòng Đào tạo Sau Đại học; PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước; cùng đông đảo các thầy cô giáo, các học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ là một diễn đàn khoa học bổ ích với tiếng nói từ các nhà khoa học, các giảng viên tham gia đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Luật Hà Nội và các cơ sở đào tạo khác để góp phần gợi mở cho Trường Đại học Luật Hà Nội đổi mới phương thức tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học và tiếp cận phương pháp quản trị đại học hiện đại.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh phát biểu khai mạc Hội thảo
Tiếp đó, TS. Nguyễn Văn Tuyến – Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học đã báo cáo về thực trạng công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội và một số định hướng đổi mới để phát triển. Cụ thể, Nhà trường cần đa dạng hóa phương thức tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế; cần nâng cao tính chuyên nghiệp và tính hiệu quả trong công tác tuyển sinh; cần chú trọng việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ về số lượng và mạnh về chất lướng, có nặng lực chuyên môn cao và có khả năng thích ứng tốt với môi trường đào tạo và học thuật quốc tế;….
TS. Nguyễn Văn Tuyến báo cáo tham luận
Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã chọn được 11 bài viết chất lượng để đăng vào kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu: Một là, đổi mới công tác tuyển sinh, tổ chức, quản lý để phát triển hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội; Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo sau đại học tại Nhà trường; Ba là, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội theo hướng tiếp cận liên ngành;…
Sau 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc với 11 bài tham luận tại hội trường cùng các ý kiến tham gia tranh luận, phản biện làm cho không khí cuộc Hội thảo sôi nổi, khơi dậy tư duy của mỗi đại biểu tham dự và mang ý nghĩa thiết thực và đạt hiệu quả cao.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
PGS.TS Tô Văn Hòa - Trưởng Khoa Pháp luật HCNN trình bày tham luận "Đổi mới công tác tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng tự chủ đại học"
Luật sư Hà Huy Phong - Học viên lớp cao học Khóa 26 trình bày về đạo tạo thạc sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội - Nhận diện từ góc nhìn của người học