Mới đây, Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tổ chức tọa đàm “Giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên nêu rõ, “Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam so với các giai đoạn trước đã được tinh chỉnh và hoàn hiện trước một bước. Tuy nhiên, theo đánh giá vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, nhiều tầng nấc, chống chéo với nhau. Chính vì vậy, Bộ pháp điển là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất và phục vụ đắc lực hệ thống pháp luật. Đặc biệt Bộ pháp lệnh rất có ý nghĩa đối với những, người làm công tác trong lĩnh vực pháp luật, nghiên cứu pháp luật, nhất là người dân trong việc tra cứu văn bản pháp luật”.
Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên phát biểu tại tọa đàm. |
Thông tin về quá trình xây dựng Bộ pháp điển trong thời gian qua, ông Đồng Ngọc Ba Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển. Bước đầu đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác, sử dụng, ghi nhận và đánh giá cao; ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức, luật sư, doanh nghiệp khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và đánh giá Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.
Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL quy định Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề. Hiện nay, Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Mỗi Chủ đề có 1 hoặc nhiều đề mục (hiện nay được xác định có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Trong mỗi đề mục có thể có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều, Khoản, Điểm.
Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản QPPL, Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba phát biểu tại tọa đàm. |
Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 191/271 đề mục, trong đó có 150 đề mục đã được Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp đang tổng hợp hồ sơ trình Chính phủ thông qua 04 chủ đề và 27 đề mục khác (dự kiến trong tháng 12/2020). Hiện nay, có 11 đề mục đang được các bộ, ngành tiếp tục thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2020; còn lại 69 đề mục dự kiến thực hiện và hoàn thành vào năm 2021 và 2022. Như vậy, với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” (phấn đấu hoàn thành vào năm 2022).
“Thông qua hoạt động pháp điển 191/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 6.000/9.000 văn bản QPPL của Trung ương, từ đó góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực”, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo Cục trưởng Đồng Ngọc Ba, thực tế thi hành và áp dụng pháp luật cho thấy, có tình trạng các quy định về cùng một lĩnh vực, vấn đề nhưng phân tán trong các văn bản khác nhau dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, áp dụng pháp luật; còn tồn tại tình trạng việc xác định giá trị hiệu lực của một văn bản QPPL xét từ góc độ pháp lý và thực tiễn là chưa thống nhất, thậm chí có trường hợp chính cơ quan ban hành văn bản cũng lúng túng trong việc xác định hiệu lực của văn bản QPPL do mình ban hành hoặc các cơ quan nhà nước có quan điểm khác nhau về hiệu lực của một văn bản.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Nguồn: Báo PLVN
.