Năm 2020 chứng kiến nhiều hoạt động giáo dục, đào tạo quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Bộ, ngành Tư pháp. Với việc kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, tập trung mọi nguồn lực tuyển sinh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được nâng cao và hiệu quả.
Điểm sáng trong công tác giáo dục, đào tạo
Một trong những sự kiện nổi bật của Trường Đại học Luật Hà Nội là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1737/QĐ-BTP ngày 11/8/2020 công nhận Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Quyết định số 1738/QĐ-BTP công nhận Quyền Chủ tịch Hội đồng trường đối với Tiến sỹ Chu Mạnh Hùng.
Sau khi được thành lập, căn cứ các quy định của pháp luật và của Trường, Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020–2025 đã triển khai quy trình, thủ tục đúng quy định của pháp luật, lựa chọn nhân sự và thống nhất bầu Tiến sỹ Đoàn Trung Kiên, Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1779/QĐ-BTP ngày 18/8/2020 công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đối với Tiến sỹ Đoàn Trung Kiên.
Sau đó, Trường Đại học Luật Hà Nội đã bổ nhiệm đồng chí Lê Đình Nghị làm Phó Hiệu trưởng; bổ nhiệm lại Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh; phân công lại công việc trong Ban Giám hiệu sau khi kiện toàn Hiệu trưởng; Phó Hiệu trưởng và sau khi đồng chí Trần Quang Huy, nguyên Phó Hiệu trưởng thôi giữ chức vụ quản lý khi đến tuổi nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Khoa Pháp luật kinh tế theo quy định.
2020 cũng là năm Trường có sự phát triển tích cực so với năm 2019 trên các mặt công tác. Đặc biệt, đối với đào tạo đại học hệ chính quy, tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học Khóa 45 hệ chính quy là 2.188 sinh viên 4 mã ngành: Luật, Luật chất lượng cao, Luật thương mại quốc tế, Luật kinh tế và Ngôn ngữ Anh; ngành Luật tại Phân hiệu, Chương trình liên kết với Đại học Azizona, Hoa Kỳ. Tính đến tháng 12 năm 2020, Trường đã tiến hành tuyển sinh đối với 14 lớp hệ vừa học vừa làm, trong đó 04 lớp tại Trường, 02 lớp tại Phân hiệu Đắk Lắk và 07 lớp liên kết.
2020 là năm có nhiều sự kiện ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của Học viện Tư pháp, đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Học viện đã tập trung mọi nguồn lực tổ chức tuyển sinh các lớp đào tạo mới, đẩy mạnh triển khai lịch học các lớp, qua đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong năm 2020 với 3.720 học viên đào tạo nghề và 211 học viên đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Tính đến ngày 30/12/2020, Học viện đã công nhận tốt nghiệp cho 3.098 học viên các lớp đào tạo nghề và 160 học viên 02 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Bên cạnh đó, Học viện cũng kịp thời áp dụng hình thức bồi dưỡng từ xa theo phương thức trực tuyến, góp phần đáp ứng yêu cầu tổ chức các lớp bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tính đến 31/12/2020, Học viện đã thực hiện thành công, hoàn thành tất cả 38 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo đúng kế hoạch. Đồng thời bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp Bộ “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” đạt loại xuất sắc.
Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được quan tâm và tìm kiếm mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Học viện đã phối hợp với Học viện Tư pháp quốc gia Lào hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch hoạt động của Dự án năm 2020.
Bước chuyển mình toàn diện
2020 cũng là năm đánh dấu sự kiện quan trọng của các trường Trung cấp Luật khi được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Luật. Theo đó, Trường Cao đẳng Luật miền Bắc được thành lập ngày 10/07/2020 theo Quyết định số 869/QĐ-LĐTB&XH của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên.
Hiện nay, Trường đã thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho 13 chuyên viên, bổ nhiệm 22 giáo viên trung học sang chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết hạng III. Tổng số lượng hồ sơ tuyển sinh tính đến ngày 09/11/2020 là 148 hồ sơ, đã xét tuyển 1 đợt và đã nhập học 148 học sinh.
Trường cũng đang tiếp tục phối hợp với Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên tuyển sinh hệ liên thông từ trung cấp luật lên đại học luật dự kiến là 30 sinh viên; phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh lớp Văn bằng 2 hệ vừa học vừa làm dự kiến là 50 học viên. Trường tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng chuyển dần sang tín chỉ và có nhiều tổ hợp môn tự chọn phù hợp với nhu cầu của người học và yêu cầu của nhà tuyển dụng…
Tiền thân là Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, khi được nâng lên thành Cao đẳng Luật miền Trung, Trường đã nhanh chóng tập trung triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục đưa Trường đi vào hoạt động. Năm 2020, song song với việc tuyển sinh trung cấp luật tại các địa bàn truyền thống là các tỉnh Bắc miền Trung như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Trường đã mở rộng tuyển sinh tại các tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng…
Trường cũng phối hợp với Đại học Luật – Đại học Huế tuyển sinh lớp Văn bằng 2 đại học luật với 40 học viên, phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp nghiệp vụ công chứng với 45 học viên; phối hợp với Đại học Nội vụ Hà Nội tuyển sinh được khoảng hơn 300 học viên cho các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn; phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh miền Trung tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ Tư pháp cho hơn 100 học viên, lớp bồi dưỡng chức danh hộ tịch cấp huyện, cấp xã cho 150 học viên; phối hợp với Ban Quản lý Chương trình 585 của Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho hơn 100 học viên là lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, Trường Cao đẳng Luật miền Nam có tiền thân là Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, khi có Quyết định nâng lên thành Trường Cao đẳng, Nhà trường đã nhanh chóng xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cao đẳng phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2020, Nhà trường đã tuyển sinh được 150 học sinh trung cấp luật, tiếp tục duy trì việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của người học, các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức tư pháp - hộ tịch và hòa giải viên cơ sở với tổng số 16 lớp, trong đó có 5 lớp đang học với 264 học viên, 11 lớp đã kết thúc khóa học với 1.134 học viên.
Trường cũng đang tiếp tục khảo sát nhu cầu của người học và chủ động làm việc với một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập.
Nguồn: baophapluat.vn