Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Ưu tiên nguồn lực tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật

Đăng vào 14/02/2021

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Ưu tiên nguồn lực tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật

(PLVN) -Năm 2020 là một năm với “khó khăn chồng khó khăn”, nhưng cũng trong năm kết thúc nhiệm kỳ này, ngành Tư pháp đã được đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực công tác. Nhìn lại 5 năm đã qua, Bộ trưởng Lê Thành Long cảm thấy vui và tự hào khi kết hợp nhiều yếu tố, ngành Tư pháp đã khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là biểu hiện sinh động về câu trả lời cho “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ “làm thế nào để ngành Tư pháp mạnh lên”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Ưu tiên nguồn lực tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật

 

Kịp thời, nhạy bén trong phản ứng chính sách

Nhắc lại chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp 2017, sau 4 năm, dự Hội nghị triển khai công tác Tư pháp 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng nhận thấy đến nay, khi đã đi gần hết nhiệm kỳ và nhìn lại, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực và tận tụy phấn đấu, Bộ và ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng không chỉ đối với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật mà còn là chỗ dựa vững chắc cho các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành. 

Bộ Tư pháp cũng được Thủ tướng Chính phủ đánh giá đã “kịp thời, nhạy bén” trong xây dựng thể chế pháp luật, góp phần cùng Chính phủ trong một năm nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid nhưng kết quả Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, đạt 2,91% trong năm 2020; kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Bộ trưởng Lê Thành Long trong chuyến thăm và làm việc với Cục THADS Long An 

Bộ trưởng Lê Thành Long nói rằng, chính tinh thần và quyết tâm “thể chế phải thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước” của người đứng đầu Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ; sự quyết liệt sát sao trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự đồng lòng trong phối hợp triển khai nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và nỗ lực của toàn ngành Tư pháp đã tạo nên những chuyển động tích cực trong công tác xây dựng thể chế. 

Còn nhớ, khi quay trở lại ngành Tư pháp sau thời gian luân chuyển, và sau đó tiếp quản công việc trên cương vị người đứng đầu cách đây 5 năm, điều khiến Bộ trưởng Lê Thành Long luôn đau đáu là làm sao công tác xây dựng và thi hành pháp luật thực sự gắn kết với nhau và phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương, làm sao Việt Nam sớm có hệ thống pháp luật thực sự đồng bộ, minh bạch, khả thi, có hiệu lực và hiệu quả cao trong tổ chức thực thi. Trăn trở này khiến ông dành nhiều thời gian, tâm sức cùng toàn ngành nỗ lực đổi mới, từ tư duy, phương pháp đến tổ chức triển khai thực hiện…

Bộ Tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Chính phủ tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, làm cơ sở ban hành các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác pháp luật và tư pháp (nhất là việc tổng kết việc triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị). Các Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức đã thành “thương hiệu” về quy mô, tầm vóc ảnh hưởng và sự công phu, sức hấp dẫn về nội dung chuyên môn, được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tham dự và đánh giá cao, trong đó phải kể đến Hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” (tháng 6/2019) và Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng tại Việt Nam” (tháng 11/2020). 

Qua thời gian, đến nay, chúng ta có thể thấy hệ thống pháp luật đã không ngừng được hoàn thiện, chất lượng quy định pháp luật được nâng lên, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay. 

Cũng hoàn toàn có cơ sở khi nói rằng, ngành Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, “nhạc trưởng” trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ trong những năm qua như đánh giá, ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2021. Trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tập trung rà soát gần 8.800 văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do các cơ quan trung ương ban hành đang có hiêu lực, kịp thời phát hiện các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị hoàn thiện pháp luật để giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Tư pháp, Pháp chế các Bộ và cơ quan tư pháp địa phương đã hoàn thành tốt việc thẩm định trên 42 ngàn văn bản với tinh thần «nói không với những quy định làm rào cản cho sự phát triển», qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. 

Nhìn lại nhiệm kỳ, Bộ trưởng Lê Thành Long cảm thấy yên tâm hơn trước những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Điều đó không chỉ thể hiện qua tỷ lệ cao của việc Quốc hội biểu quyết thông qua các đạo luật mà còn ở chất lượng nội dung các chính sách được áp dụng trong thực tiễn, đồng thời giảm thiểu các quy định thiếu khả thi, bị người dân phản ứng, dư luận không đồng tình. Riêng năm 2020, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ chủ trì xây dựng, trình Quốc hội thông qua 03 luật với tỷ lệ đồng thuận cao (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - tỷ lệ đại biểu Quốc hội thông qua là 92.96%; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp - 92.96%; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính - 93.5%), đánh dấu bước tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực công tác quan trọng thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp. Không dừng lại ở đó, Bộ Tư pháp cũng đã thực hiện tốt vai trò quản lý công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và đại diện pháp lý cho Chính phủ trong nhiều vụ tranh chấp quốc tế và hỗ trợ một số địa phương trong việc giải quyết các tranh chấp này.

Bộ trưởng Lê Thành Long (người ngồi giữa) tại Lễ khởi động Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025  

Năm 2020, không vì những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ/Ngành Tư pháp vẫn được triển khai một cách sáng tạo, chủ động, thích ứng với tình hình thế giới và trong nước, đạt nhiều kết quả tích cực, phục vụ hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp nói chung và nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng. Những nỗ lực của Bộ, ngành Tư pháp đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng nhìn nhận, đánh giá cao tại hội nghị của Chính phủ về “công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật” được tổ chức tháng 11/2020 vừa qua. Tại Hội nghị, mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp lại một lần nữa được khẳng định, trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và công tác thi hành pháp luật được coi là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công mục tiêu đó. 

Và “những con số biết nói”

Bộ Tư pháp quản lý nhiều lĩnh vực trực tiếp liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, do đó, Bộ trưởng Lê Thành Long luôn tâm niệm phải lấy người dân làm vị trí trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc. Tinh thần đó của người đứng đầu ngành Tư pháp có sức lan toả mạnh mẽ. Vì thế, nhiều giải pháp thiết thực đã được toàn ngành ứng dụng một cách linh hoạt hiệu quả vào hoạt động quản lý. Trong đó có thể kể đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác. Đơn cử trong công tác phổ biến pháp luật, trong bối cảnh phòng, chống Covid-19, Bộ/Ngành Tư pháp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quốc. Nhờ đó, đã cải thiện điều kiện tiếp cận, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ thông tin pháp luật. Các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật với quy mô toàn quốc như: Pháp luật học đường, Pháp luật với mọi người,… đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả. Trong công tác hộ tịch, không còn cảnh đăng ký và quản lý theo cách thủ công, truyền thống. Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” được triển khai ở cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bằng việc đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp, trong đó có hơn 40 địa phương đã thực hiện kết nối Phần mềm này với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/thành phố để thực hiện liên thông thủ tục hành chính (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi). Mô hình 3 trong 1 này đang được nhân rộng ở nhiều địa phương được người dân đón nhận vì sự tiện lợi của nó.

Cũng với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, bằng các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, mỗi năm toàn ngành đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp...

Một lĩnh vực trọng tâm khác của ngành là công tác thi hành án dân sự cũng có những chuyển biến rõ nét. Tính trong nhiệm kỳ 2016-2020, về cơ bản, kết quả THADS năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Riêng trong năm 2020, vượt qua khó khăn của đại dịch, kết quả công tác thi hành án dân sự về giá trị, đặc biệt là giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay với trên 14 nghìn tỷ đồng, qua đó, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác theo dõi thi hành án hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào thực chất. 

Kiểm lại “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ “làm gì để ngành Tư pháp mạnh lên”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, muốn “mạnh” lên không thể không nói đến công tác cán bộ. Là ngành có số lượng cán bộ lớn, đặc biệt là hệ thống thi hành án dân sự, qua nhiệm kỳ, tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều cán bộ Tư pháp được tin tưởng giao các trọng trách quan trọng ở Trung ương và địa phương. Bộ Tư pháp đặc biệt coi trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương IV (khóa XI và XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành. Đồng thời, Bộ Tư pháp rất coi trọng việc chuẩn hoá, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Các cơ sở đào tạo Luật trong ngành đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ pháp luật có chất lượng phục vụ đất nước trong giai đoạn phát triển mới. “Qua nhiệm kỳ có thể thấy, đội ngũ cán bộ Tư pháp đã và đang trưởng thành qua thời gian, cả về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và hơn cả tinh thần nhiệt huyết với công việc. Đây là yếu tố then chốt giúp ngành Tư pháp “mạnh” lên”, Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ.

Bảo đảm hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, đồng bộ.

Nhìn lại nhiệm kỳ, Bộ trưởng Lê Thành Long thấy yên lòng hơn vì với những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, công tác tư pháp ngày càng đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những việc chưa được như mong muốn vì nhiều lý do, trong đó có cả chủ quan và khách quan. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, trong quá trình tham mưu giúp Chính phủ tổng kết các nghị quyết, chỉ thị làm cơ sở ban hành các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác pháp luật và tư pháp, Bộ/Ngành Tư pháp đã nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và công tác tư pháp. Đó là hệ thống pháp luật vẫn còn quy định thiếu đồng bộ, chưa ổn định và chưa sát với thực tiễn; tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; một số Luật liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người dân còn “trễ hẹn”, chưa được ban hành. Trong công tác thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp ở một số nơi còn có sai phạm...làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Năm 2021 là năm bắt đầu một nhiệm kỳ mới với nhiều thời cơ vận hội mới nhưng đất nước cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ, ngành Tư pháp cần nhận diện rõ khó khăn, thách thức để hoạch định lộ trình hợp lý với những giải pháp căn cơ để cùng cả hệ thống chính trị phát huy kết quả đạt được, tạo động lực và đóng góp nhiều hơn vào công cuộc đổi mới đất nước trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Một trong những công việc trọng tâm hàng đầu theo Bộ trưởng Lê Thành Long là toàn ngành xác định bám sát các giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, trong đó “tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước…”. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngành Tư pháp sẽ dành nhiều nguồn lực để tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm. 

Bên cạnh đó, khi mà cả xã hội đang “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến thì Nhà nước vẫn phải giữ vai trò nòng cốt cùng sự chung tay của toàn xã hội trong phổ biến giáo dục pháp luật thông qua chủ trương mở rộng xã hội hóa công tác này. 

Trong công tác thi hành án dân sự, toàn ngành phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu THADS được giao. Trong đó, “điểm nhấn” là tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. 

Cùng đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành đối với các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, xử lý vi phạm hành chính... nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Trong giai đoạn mới, việc tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp “vừa hồng vừa chuyên” tiếp tục được coi là khâu then chốt của then chốt. Đồng thời, việc tạo nguồn nhân lực tư pháp, pháp luật có chất lượng cho đất nước được coi trọng thông qua việc đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và các Trường Cao đẳng luật. 

***

Một nhiệm kỳ khép lại với những thành công đặc biệt, mang dấu ấn đặc biệt của người “thuyền trưởng” khi vị thế, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng khẳng định trong đời sống kinh tế, chính trị của đất nước. Mặc dù được dự báo còn không ít khó khăn, thử thách trong thời gian tới, nhưng với truyền thống, tiềm năng và nội lực của ngành, Bộ trưởng Lê Thành Long luôn tin tưởng mỗi cán bộ trong ngành sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tận tụy, yêu ngành, yêu nghề để tiếp tục cống hiến, vì một sự nghiệp vẻ vang mang tên “Tư pháp”./. 

Nguồn: Báo Pháp luật VN