Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Sau phần phát biểu khai mạc của TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp, phát biểu chào mừng của TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật đã báo cáo: trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên để tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá nhận thức và nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế do Bộ Tư pháp triển khai cho thấy, tỷ lệ nhận thức một số vấn đề pháp luật liên quan đến quyền cơ bản con người còn hạn chế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho đồng bào DTTS, vùng miền núi chưa đảm bảo độ sâu và tính bền vững; nhiều nơi còn thiếu nhiều thông tin, kiến thức pháp luật… Do đó cần phải phát triển nguồn nhân lực để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Theo ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Hiện nay trường có hơn 20% sinh viên DTTS, trong đó có các DTTS rất ít người. Các em sinh viên là người DTTS biết nói tiếng DTTS là một lợi thế trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp để thu hút và phát huy vai trò của sinh viên Luật là người DTTS trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào DTTS. Theo ông Vừ Bá Thông (Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc), để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS một cách hiệu quả phải có những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để huy động, thu hút đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Em Nông Thị Thiết, dân tộc Nùng, cựu sinh viên Đại học Luật cho biết: Bằng tâm huyết và mong muốn được cống hiến cho quê hương, các sinh viên DTTS sẽ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào mình một cách hiệu quả. Tuy nhiên, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các sinh viên mới ra trường để thu hút nguồn lực này trở về quê hương thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Cũng tại tọa đàm, nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số của Trường Đại học Luật Hà Nội mong muốn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khi ra trường có thể trở về phục vụ quê hương, làm cán bộ tư pháp và trực tiếp PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc nơi họ sinh sống.
Phát biểu kết luận tại buổi Tọa đàm, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến Giáo dục Pháp luật (Bộ Tư Pháp) cho biết: Hiện nay công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy đội ngũ sinh viên người DTTS chính là nguồn nhân lực quan trọng thực hiện hiệu quả chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho chính đồng bào trên quê hương mình. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhân lực này để góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho đồng bào.
Nguồn: Báo Dân tộc