Nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nói chung và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của sinh viên nhà trường nói riêng, Bộ môn Luật Môi trường – Khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội tổ chức cuộc thi "Sinh viên với môi trường - SE".
Tối 22/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên với môi trường – SE" do Bộ môn Luật Môi trường – Khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội, phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội và Liên chi đoàn Khoa Pháp luật Kinh tế tổ chức. Theo đó, 5/20 đội thi đăng ký vượt qua vòng sơ khảo chính thức bước vào so tài trực tiếp.
Thành phần Ban giám khảo đêm thi chung kết bao gồm: TS Dương Thanh An - Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ThS Luật sư Hà Huy Phong - Trưởng Ban Pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; TS. Hoàng Ly Anh - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Trị sự tạp chí; PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy - Phó bộ môn Luật môi trường, Khoa kinh tế, Đại học Luật Hà Nội; Luật sư Hoàng Đức Anh - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Inteco.
Ban tổ chức trao chứng nhận và quà cho 20 đội thi tham gia vòng sơ khảo.
Phát biểu khai mạc, TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá cao về quy mô, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc thi. Dù mang bản chất là một cuộc thi quy mô cấp bộ môn, cấp khoa tuy nhiên mọi công tác chuẩn bị đều được tiến hành một cách bài bản, chu đáo.
“Tôi thay mặt cho lãnh đạo nhà trường và Ban tổ chức đánh giá cuộc thi rất thành công, ở cấp bộ môn nhưng tôi đánh giá nó đạt được quy mô ở cấp trường”, TS Đoàn Trung Kiên nhận định.
TS. Đoàn Trung Kiên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc đêm Chung kết.
Theo TS Đoàn Trung Kiên, đêm chung kết cuộc thi càng trở nên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi được tổ chức vào ngày 22/4 – Ngày Trái Đất 2021. Vào ngày này, Liên Hợp Quốc phát động nhân loại trên toàn cầu có những hành động thiết thực để bảo vệ Trái Đất, và chủ đề năm nay được Liên Hợp Quốc lựa chọn là: "khôi phục Trái Đất của chúng ta". Do đó, cuộc thi này chắc chắn sẽ có ý nghĩa lan tỏa rất lớn, tuyên truyền vận động mọi người chung tay cùng bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Hiệu trưởng nhà trường cũng bày tỏ mong muốn Khoa Pháp luật Kinh tế hàng năm vào Ngày Trái Đất tiếp tục duy trì cuộc thi tương tự, mở rộng chủ đề, tiếp tục nghiên cứu mở rộng cuộc thi ở những lĩnh vực pháp luật khác.
“Hi vọng cuộc thi lan tỏa đến các đơn vị chuyên môn trong trường để các khoa, các đơn vị khác cũng có những sân chơi bổ ích tương tự như của khoa ta và có như vậy thì chắc chắn môi trường học tập của trường ta mới xứng đáng là trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật của cả nước”, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết.
Các đại biểu tham dự chương trình
Theo TS Nguyễn Văn Phương - Trưởng bộ môn Luật Môi trường, Đại học Luật Hà Nội, năng lực của các đội đăng ký dự thi chênh lệch không lớn, do giới hạn thời lượng đêm chung kết nên Ban tổ chức chỉ có thể chọn 5 đội bước vào chung kết trước sự cân nhắc, chấm thi kỹ lưỡng, nghiêm túc của Ban giám khảo.
Thành phần Ban giám khảo chung kết cuộc thi "Sinh viên với trường - SE".
Công tác chuẩn bị câu hỏi cũng tốn khá nhiều thời gian để phù hợp với học sinh đang theo học các khóa khác nhau tại trường Đại học Luật Hà Nội. Tuy nhiên, Ban tổ chức bất ngờ và ấn tượng khi nhận được bài thi của 20 đội đăng ký tham gia vòng sơ khảo. Với thời gian chuẩn bị ngắn (lý do bất khả kháng từ việc học trực tuyến, phòng chống dịch Covid-19) nhưng bài thi rất kỳ công, chất lượng.
TS Nguyễn Văn Phương - Trưởng bộ môn Luật Môi trường.
Tại đêm chung kết, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cuộc thi đã góp phần tăng thêm tính hấp dẫn của bộ môn Luật Môi trường. Trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong 6 nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ biến đổi khí hậu và Luật Bảo vệ môi trường vừa được Quốc Hội thông qua với nhiều thay đổi thì việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nói chung và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của sinh viên trường Luật nói riêng là rất quan trọng.
Với thành công từ lần tổ chức đầu tiện, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế kỳ vọng tương lai đây sẽ sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên, được tổ chức thường niên và mở rộng về quy mô, trở thành cuộc tranh tài của sinh viên nhiều trường đại học, các khoa luật khác trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế cũng đánh giá cao năng lực hùng biện và nhận thức của các sinh viên tham gia cuộc thi.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội.
Sau gần 2h tranh tài trong đêm chung kết, 5 đội thi đã hoàn thành 4 vòng thi. Theo kết quả từ Ban giám khảo, cuộc thi đã công bố 02 giải Ba, 01 giải Nhì, 01 giải Vì cộng đồng, 01 giải Nhất. Đội thi số 4: Trần Tuấn Anh (MS 440501) – Nguyễn Thị Khoa (MS 440549) đã giành giải Nhất cuộc thi “Sinh viên mới môi trường – SE” lần thứ nhất.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến trao thưởng cho đội thi giành giải Nhất.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế Môi trường, ThS Luật sư Hà Huy Phong - Trưởng Ban pháp chế, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, thành viên Ban giám khảo cuộc thi chia sẻ: “Trước hết, xin được chúc mừng Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức một cuộc thi rất thành công. Cá nhân tôi rất ấn tượng với cách thức tổ chức chuyên nghiệp và có chiều sâu chuyên môn như vậy.
ThS Luật sư Hà Huy Phong - Trưởng Ban pháp chế, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Tham gia làm thành viên Ban giám khảo, tôi nhận thấy kiến thức chuyên môn về luật môi trường và hiểu biết xã hội trong lĩnh vực môi trường của các em sinh viên Đại học Luật Hà Nội rất tốt, sâu sắc và mở rộng ra tới những vấn đề có tính toàn cầu như nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường. Những kiến thức như vậy, không chỉ là kiến thức về quy định pháp luật môi trường mà còn là sự hiểu biết và nhận thức về lĩnh vực môi trường.”
Thành công từ cuộc thi “Sinh viên với môi trường – SE" có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, Ban pháp chế Hội kinh tế môi trường Việt Nam đánh giá cao những hoạt động thực tiễn như vậy của Đại học Luật Hà Nội và mong muốn các cơ sở giáo dục khác trên cả nước cũng sẽ tổ chức thành công những sinh hoạt ngoại khóa tương tự. Giáo dục, suy cho cùng cũng là để làm thay đổi nhận thức, biến nhận thức thành hành động giúp con người sống tốt hơn với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Việc một cơ sở giáo dục đại học tổ chức thành công sự kiện như vậy sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Kinh tế môi trường