Ngày 27/5/2021, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk (Phân hiệu) đã tổ chức Hội thảo khoa học về Luật tục Ê đê trong mối tương quan với pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tham dự Hội thảo, về phía Phân hiệu có: TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Phân hiệu, Chủ trì Hội thảo; một số viên chức trực tiếp trình bày các chuyên đề cùng toàn thể Lãnh đạo và viên chức của Phân hiệu tham gia họp trục tuyến; về phía địa phương tỉnh Đắk Lắk có: Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp; TS. Đỗ Văn Dương - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk; Ông Hà Huy Quang - Phó Trưởng Ban Dân tộc; Ông Tạ Ngọc Sáng - Chi Cục Trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Buôn Ma Thuột; TS. Trần Ngọc Thanh - Phụ trách NCKH, Trường Đại học Đông Á; ThS. Phạm Thị Xuân Nga - Viện Khoa học xã hội Vùng Tây Nguyên; Ông Tô Viết Tài - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam; Bà Bùi Thị Minh Hạnh - Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Phân hiệu nhấn mạnh việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tìm hiểu luật tục Ê đê, qua đó đề xuất được những giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật trong cộng đồng dân tộc Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên đề như: (1) Tổ chức đời sống - xã hội của đồng bào dân tộc Ê đê - cơ sở hình thành Luật tục; (2). Luật tục Ê đê về hôn nhân và gia đình trong mối tương quan với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; (3). Luật tục Ê đê về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong tương quan với pháp luật hiện nay; (4). Xét xử người có hành vi vi phạm luật tục trong mối tương quan với quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam; (5). Quản lý phát triển xã hội buôn làng qua Luật tục Ê đê; (6). Sự tương tác giữa Luật tục - luật pháp và những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong cộng đồng đồng bào dân tộc Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham gia Hội thảo đã phản biện, đóng góp ý kiến nhằm làm rõ hơn những giải pháp mà các chuyên đề đã đề cập, đồng thời đánh giá đúng những mặt tích cực và hạn chế về nội dung của Luật tục Ê đê trong mối tương quan với pháp luật thực định, qua đó đề xuất được những giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật trong cộng đồng dân tộc Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Có thể nói nghiên cứu văn hóa pháp lý của luật tục Ê Đê phần nào giúp chúng ta tìm được cơ chế thích hợp cho việc áp dụng pháp luật thực định vào đời sống của đồng bào dân tộc Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo