Chiều ngày 28/10/2021, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tổ chức Phiên họp Hội đồng khoa học đánh giá và nghiệm thu Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất chủ trương, phương án đàm phán của Việt Nam trong xây dựng các văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia” (BBNJ) do Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì thực hiện và Quỹ NAFOSTED tài trợ kinh phí.
Thành viên Hội đồng bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như PGS.TS. Đoàn Năng – Nguyên Vụ Trưởng Vụ pháp chế, Bộ Khoa học và công nghệ; TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ; GS. Đỗ Công Thung – Nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên và môi trường biển; TS. Nguyễn Hoàng Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, trưởng khoa luật quốc tế, học viện Ngoại giao Việt Nam…
Toàn cảnh Hội thảo
Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia đang đàm phán xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế về BBNJ trong bối cảnh còn nhiều khác biệt về nhận thức, quan điểm và thực tế liên quan đến BBNJ giữa các nước. Là một quốc gia có biển, Việt Nam có các quyền, quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến BBNJ. Vì vậy, nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất chủ trương, phương án đàm phán của Việt Nam trong xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia là hết sức cần thiết và cấp bách.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao – Phó Chủ tịch Uỷ ban Luật quốc tế thuộc Liên hợp quốc
Báo cáo trước Hội đồng Khoa học, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao – Phó Chủ tịch Uỷ ban Luật quốc tế thuộc Liên hợp quốc, chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: Mục tiêu của đề tài nhằm cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc đàm phán văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ), đồng thời kịp thời đề xuất các khuyến nghị về chủ trương, phương án đàm phán của Việt Nam trong phiên đàm phán thứ Ba và phiên đàm phán thứ Tư của Hội nghị liên chính phủ về văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ của UNCLOS về BBNJ nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam.
Sau 18 tháng triển khai, những sản phẩm nghiên cứu của đề tài đã được hoàn thành bao gồm: 01 báo cáo là sản phẩm tài liệu để phục vụ tốt cho đoàn đàm phán Chính phủ; 01 Báo cáo phục vụ phiên đàm phán lần thứ Ba của Hội nghị liên Chính phủ về văn kiện pháp lý BBNJ trong đó có đề xuất chủ trương và phương án đàm phán của Việt Nam; 01 Báo cáo phục vụ phiên đàm phán lần thứ Tư của Hội nghị liên Chính phủ về văn kiện pháp lý BBNJ trong đó có đề xuất khuyến nghị chủ trương và phương án đàm phán của Việt Nam; 01 Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài là công trình nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về BBNJ sẽ được chuyển giao cho Vụ Khoa học Xã hội, nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trường Đại học Luật Hà Nội và một số đơn vị khác có liên quan; 05 bài báo đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật học có uy tín cùng một số sản phẩm trung gian đã được thực hiện trong suốt quá trình làm đề tài gồm Báo cáo kết quả nội dung của chuyến công tác nước ngoài làm việc với Vụ các vấn đề biển và đại dương của Liên hợp quốc và Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp quốc, 02 kỷ yếu hội thảo quốc gia, 07 kỷ yếu tọa đàm và 08 Báo cáo của 08 nội dung nghiên cứu.
Hội đồng đã đánh giá rất cao các kết quả nghiên cứu của đề tài và nhất trí xếp loại xuất sắc.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn và trực tiếp phục vụ đàm phán của Việt Nam về BBNJ, đóng góp trực tiếp vào các phiên đàm phán thông qua chuẩn bị các báo cáo đàm phán cho từng phiên, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong BBNJ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác về BBNJ. Đồng thời, đóng góp vào việc sửa đổi bổ sung Luật biển Việt Nam, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…; góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước xây dựng các chiến lược, kế hoạch… nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển tại các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia trong những năm sắp tới, qua đó, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển biển bền vững năm 2030 tầm nhìn 2045.
PGS.TS. Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng nhà trường
Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ NAFOSTED, sự tham gia của các nhà khoa học, cũng như ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và và làm việc nghiêm túc của các thành viên đề tài. Đồng thời, với vị trí là trường đại học hàng đầu về nghiên cứu và đào tạo cán bộ pháp luật, PGS.TS. Tô Văn Hoà cũng khẳng định ý nghĩa của việc thực hiện đề tài đối với các giảng viên, các nhà khoa học trong nâng cao năng lực trình độ và khả năng nghiên cứu cũng như hợp tác với các nhà khoa học trong nước và nước ngoài.
Phương Thảo - Phòng HTQT