Sáng 14/02/2022, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên đã chủ trì Cuộc họp về Đề án chuyển đổi số của Trường, tham dự có của TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường cùng các Phó Hiệu trưởng và Trưởng các đơn vị, Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội.
Ngày 03/06/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó mục tiêu cơ bản của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đối với Bộ, Ngành Tư pháp, ngày 10/6/2022 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 983/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu cụ thể hoá việc triển khai toàn diện, hiệu quả, đúng mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia (theo QĐ số 749 của TTCP) trong Ngành Tư pháp đồng thời đặt ra các mục tiêu cụ thể về mức độ dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ công việc tại cơ quan, các báo cáo định kì, cơ sở dữ liệu...thực hiện thông qua môi trường số.
Thực hiện Chủ trương trên của Chính phủ, Bộ, Ngành Tư pháp; Trường Đại học Luật Hà Nội đã chủ động xây dựng lộ trình, bước đầu bắt tay vào việc chuyển đổi số từ đầu tháng 11/2021 và chỉ đạo trực tiếp Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ký hợp đồng và thực hiện Hợp đồng tư vấn chuyển đổi số với đơn vị tư vấn chuyên nghiệp bắt đầu từ tháng 10/11/2021. Quá trình triển khai đã thực hiện qua những bước bao gồm xây dựng kế hoạch khảo sát, thực hiện khảo sát, báo cáo khảo sát, xây dựng báo cáo tư vấn chuyển đổi số, dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số, gửi lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến các đơn vị để hoàn thiện. Tính đến nay, việc tư vấn đã cơ bản hoàn thành những nội dung chuyên môn theo cam kết trong hợp đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển trường đến năm 2030. Do đó, toàn trường cần phải quán triệt nâng cao nhận thức về công việc quan trọng này, đồng thời cần phải có kế hoạch tổng thể. Tuy nhiên việc đầu tư cho chuyển đổi số một cách triệt để hết sức tốn kém, cần một khoản kinh phí lớn. Do vậy việc đầu tư chuyển đổi số cần phân chia lộ trình đầu tư, triển khai hợp lý; nghiên cứu, sắp xếp ưu tiên triển khai chuyển đổi số những mảng công việc, nghiệp vụ quan trọng như quản lý đào tạo, quản lý nhân sự, nghiên cứu khoa học và các kênh kết nối giữa nhà trường với cán bộ, giảng viên và người học thông qua ứng dụng mobile App nhằm sớm phát huy hiệu quả. Đề nghị các đơn vị chuyên môn đóng góp ý kiến và chia sẻ các góc nhìn về chuyên môn một cách tích cực, cụ thể, trong quá trình triển khai từng nội dung, các phòng ban, đơn vị chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Công nghệ thông tin từ các giai đoạn xây dựng đề bài, yêu cầu cho sát để lựa chọn đối tác, nhà thầu và triển khai được hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ông Đào Ngọc Phong - Đại diện Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cũng trình bày trước cuộc họp Dự thảo báo cáo tư vấn chuyển đổi số và Dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số của Trường. Dự thảo báo cáo tư vấn chuyển đổi số cung cấp thông tin chuyên môn cơ bản về chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số ở một số Trường đại học tại Việt Nam, bước đầu đánh giá thực trạng chuyển đổi số tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số chỉ ra những yếu tố về mục tiêu, nguồn lực, nhiệm vụ, công việc, dự kiến phân công nhiệm vụ và khái toán các hạng mục và chi phí đầu tư.
Để dự thảo báo cáo, dự thảo kế hoạch được hoàn thiện, Chủ tịch Hội đồng Trường, các Phó Hiệu trưởng, Trưởng các đơn vị đều nhất trí với việc triển khai một cách đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số giữa các phần mềm trong Trường. Ngoài ra, cần bổ sung kho dữ liệu chung của Nhà trường và ban hành phân quyền cho các đơn vị có liên quan.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 kéo theo sự phát triển và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ công nghệ thông tin đã mang lại nhiều tác động tích cực đến các hoạt động của các cơ qua, tổ chức, doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số được xem là một hoạt động tất yếu để đáp ứng sự thay đổi, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo.