Ngày 24, 25 tháng 03 năm 2022, “Khóa tập huấn giảng viên nguồn về lồng ghép giới trong pháp luật và chính sách” đã được tổ chức tại Khu nghỉ dưỡng Sông Hồng, tỉnh Vĩnh Phúc theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án EU JULE) hỗ trợ Trường Đại học Luật Hà Nội trong việc xây dựng chương trình môn học “Giới, bình đẳng giới và pháp luật”. Dự án EU JULE được tài trợ bởi Liên minh châu Âu với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP và Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong các đơn vị thụ hưởng của Dự án.
Tham dự chương trình có:
Phát biểu khai mạc Chương trình, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh gửi lời cảm ơn tới các quý vị đại biểu, các quý thầy cô giáo, các nhà khoa học đã dành thời gian tham dự Khóa tập huấn này. Cô Phó Hiệu trưởng cho biết: Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Khóa tập huấn giảng viên nguồn về lồng ghép giới trong pháp luật và chính sách được tổ chức nhằm hướng tới mục đích nâng cao kiến thức của các giảng viên luật về giới, bình đẳng giới, phân tích giới, lồng ghép giới và các công cụ khác liên quan. Cô Phó Hiệu trưởng hy vọng rằng với những thông tin được trao đổi trong khóa tập huấn này các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng như của các cơ sở đào tạo luật khác có thêm những kiến thức bổ ích về giới và bình đẳng giới, phục vụ hiệu quả cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình. Đồng thời, thông qua Khóa tập huấn này, Cô cũng hy vọng nhận được nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo đề cương Tập bài giảng môn học “Giới, Bình đẳng giới và Pháp luật” mà Trường đang triển khai xây dựng.
PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường
Tiếp nối Chương trình, Bà Đào Thị Thu An – Quản lý dự án EU JULE – Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam nhấn mạnh: Trao quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống là điều kiện cơ bản để đạt được bình đẳng giới và điều này đã được nhấn mạnh trong mục tiêu 5 của Chương trình Nghị sự 2030 về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hệ thống pháp luật, chính sách được thực hiện có hiệu quả trong thực tế, năng lực của những người hoạch định và thực thi chính sách, của lực lượng thực thi pháp luật đóng vai trò then chốt. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường ĐH Luật, Bộ Tư pháp và UNDP, trong khuôn khổ dự án EU JULE, tập bài giảng môn học tự chọn Giới, BĐG và Pháp luật dành cho sinh viên đại học và các học viên của trường ĐH Luật sẽ được biên soạn.
Bà Đào Thị Thu An – Quản lý dự án EU JULE
Tại chương trình tập huấn, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận nhóm về các vấn đề: Làm thế nào để Lồng ghép giới được thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành; Những khó khăn đang đặt ra trong thực hiện phản biện xã hội vào các dự án luật về Lồng ghép giới; Các yếu tố đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm giảm dần khoảng cách giới trong hệ thống chính trị; Lồng ghép giới trong luật pháp chính sách và các công cụ hỗ trợ;...
Chương trình tập huấn diễn ra trong 02 ngày với nhiều nội dung quan trọng, các bài giảng về Giới, BĐG và Pháp luật không chỉ là nguồn tài liệu học thuật có giá trị cao, giúp nâng cao năng lực, kiến thức về giới cũng như tăng cường khả năng nhạy cảm giới cho sinh viên ngành luật - các cán bộ làm việc trong lĩnh vực pháp luật tương lai, mà còn là nguồn tài liệu giảng dạy, nghiên cứu hữu ích cho các cán bộ đang làm việc ở các lĩnh vực liên quan để có thể làm tốt công việc của mình cũng như cho các trường dạy luật khác có thể tham khảo trong tương lai.
Một số hình ảnh tại Chương trình: