Sáng 31/5, Hội thảo khoa học cấp Trường dành cho sinh viên “Những vấn đề pháp lý hướng tới hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay” được tổ chức dưới sự chủ trì của PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng lãnh đạo các khoa, phòng ban chuyên môn và tác giả của các báo cáo khoa học.
Các thầy cô cùng tác giả của các báo cáo khoa học lưu giữ kỉ niệm tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Tô Văn Hòa cho biết đây là một trong những sự kiện rất có ý nghĩa nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 tháng 5 năm nay và từng bước hiện thực hóa Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030 trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu. Năm nay, ngoài những báo cáo thể hiện kết quả nghiên cứu khoa học từ Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022, Hội thảo còn nhận được sự quan tâm của các bạn sinh viên thể hiện qua hàng chục lượt đăng ký viết bài, trong đó có 15 bài được lựa chọn công bố. Nhiều vấn đề nghiên cứu rất mới và rất sâu, rất có tính thời sự và rất có ý nghĩa trong việc kiến giải cũng như nêu giải pháp hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XNCH Việt Nam trong thời đại hiện nay.
PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS Tô Văn Hòa cũng hy vọng các nhóm tác giả có cơ hội báo cáo tốt nhất những kết quả nghiên cứu chủ yếu của mình với tâm thế là những nhà khoa học trẻ, chứ không chỉ là sinh viên của Trường. Các thầy cô giáo, các bạn sinh viên tham dự có thể đặt thêm những câu hỏi có tính gợi mở và tranh luận để hội thảo được sôi nổi và nhiều ý nghĩa. Phó Hiệu trưởng Tô Văn Hòa tin rằng những hành công bước đầu hôm nay trên con đường nghiên cứu khoa học sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong tương lai nghề nghiệp của mình.
Hội thảo xoay quanh các vấn đề về Vai trò phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay; Ban hành văn bản trong đại dịch Covid-19; Cơ chế pháp lý thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; Áp dụng án lệ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền - Kinh nghiệm của Trung Quốc và một số đề xuất cho Việt Nam; Tội khủng bố trên không gian mạng thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 - Nghiên cứu so sánh pháp luật hình sự Việt Nam, pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới; Những khía cạnh pháp lý đối với việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong bảo hộ quyền tác giả; Thực tiễn điều chỉnh pháp lý đối với các hoạt động mại dâm – Nghiên cứu so sánh và kinh nghiệm cho Việt Nam; Bảo vệ quyền của phụ nữ trong video clip tình dục bị phát tán trên không gian mạng.
Các thầy cô và tác giả của các báo cáo khoa học thảo luận sôi nổi