Trong không khí thắm tình hữu nghị của năm đoàn kết Việt Nam – Lào, Lào- Việt Nam 2022, sáng 24/8, tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật và Tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào. Đồng chủ trì Lễ kỷ niệm là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phây-vi Xi-bua Li-pha.
Tham dự lễ kỷ niệm có bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó trưởng Ban thường thường trực Ban Đối ngoại trung ương; thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; ông Văn-na-xay, Thệp-Thị-Lạt, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Nguyễn Thanh Tịnh. Ông Thái Thanh Quý, Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An; ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và trên 100 cán bộ là lãnh đạo của một số đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào; lãnh đạo Sở Tư pháp và các cơ quan THADS 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào có chung đường biên giới; lãnh đạo một số Sở Tư pháp có quan hệ hợp tác kết nghĩa với các tỉnh của Lào.
Ấm tình hữu nghị Việt-Lào
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa 2 Bộ Tư pháp có ý nghĩa quan trọng nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, núi liền núi, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn, sông liền sông, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, gắn bó lâu đời suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nhân dân Việt Nam và Lào vô cùng ác liệt, nhất là sau khi Hiệp định Geneve năm 1962 về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi hòa bình lập lại, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977, là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam - Lào trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt – Lào - mối quan hệ "có một không hai" trong lịch sử thế giới, đúng như Chủ tịch Kay-xổm-Phôm-vi-hản đã khẳng định: "Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như vậy"; hay lời nói chí tình của Chủ tịch Xu-pha-nu vông: "Tình nghĩa Việt - Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất".
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào, Phây-vi Xi-bua Li-pha bày tỏ, trải qua thời gian, hai nước Việt Nam - Lào đã hợp tác toàn diện, ngày càng đi lên tầm cao mới, gắn bó bền vững hơn. Hai bên thực hiện kỷ niệm để ghi nhớ công lao của lãnh đạo hai Bộ Tư pháp đã tiên phong, thực hiện hợp tác để góp phần nâng cao tầm quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc. Với tình cảm trong sáng đầy ý nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Việt - Lào hai nước chúng ta tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cũng đã khẳng định “Núi có thể mòn sông có thể cạn, song song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn song…”.
Trong 40 năm qua, hai Bộ Tư pháp đã chủ động thực hiện các nội dung ký kết đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương, thường xuyên trao đổi đoàn công tác giữa hai bên để giải quyết những vấn đề liên quan đến biên giới và các hoạt động tư pháp của hai nước. Mong rằng, thời gian tới hai Bộ Tư pháp hai nước Việt - Lào chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác, góp phần ngày càng gắn bó và vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt toàn diện Việt - Lào “Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển”.
Những dấu mốc quan trọng chặng đường 40 năm hợp tác tư pháp
Tại Lễ Kỷ niệm, lãnh đạo Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam - Lào khẳng định: Chặng đường 40 năm quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào với những dấu mốc quan trọng. Kể từ năm 1982 đến nay, hai Bộ Tư pháp thường xuyên ký kết các bản ghi nhớ hợp tác theo từng giai đoạn như Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa hai nước năm 1998. Thông qua đó, hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hai Bộ đã trao đổi hơn 30 đoàn cấp lãnh đạo bộ; hơn 80 đoàn cấp vụ và chuyên viên để tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau, phục vụ công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở cả hai nước. Bộ Tư pháp Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào nghiên cứu và trình thông qua một số văn bản pháp luật quan trọng như: Hiến pháp đầu tiên năm 1991, Bộ luật Dân sự 2019, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2019, Luật Thi hành án dân sự 2022 và hiện đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phá sản doanh nghiệp...
Bộ Tư pháp Việt Nam (thông qua Trường Đại học Luật Hà Nội) đã đào tạo 193 lưu học sinh Lào trình độ cử nhân, 166 lưu học sinh Lào trình độ thạc sĩ và đặc biệt có 4 lưu học sinh Lào được nhận bằng tiến sĩ. Trường Cao đẳng Luật miền Trung (tiền thân là Trường Trung cấp Luật Đồng Hới) đã đào tạo trên 300 sinh viên cho các địa phương của Lào. Ngoài ra, Dự án ODA do Chính phủ giao Bộ Tư pháp Việt Nam chủ trì hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào (Học viện Tư pháp quốc gia Lào) cũng đang đi vào giai đoạn tổng kết. Thông qua cơ chế hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới được tổ chức từ năm 2011, hai Bộ đã phối hợp xử lý được nhiều công việc cụ thể, như phía Việt Nam đã giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với số người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú là 1.516/1.836 trường hợp (82,6%); phía Lào giải quyết nhập quốc tịch Lào đạt 2.726/6.571 trường hợp (41,5%); tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân hai nước ở vùng biên, góp phần xây dựng biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định.
Tại buổi Lễ bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó trưởng Ban thường trực Ban Đối ngoại Trung ương đã chúc mừng hai Bộ Tư pháp đã đạt được kết quả hết sức to lớn quan trọng trong công tác pháp luật và tư pháp. “Trong 40 năm qua chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào nói chung và hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng ngày càng gắn bó mật thiết phát triển sâu rộng, ngày càng hiệu quả. Hai bộ ngành tư pháp quan hệ hợp tác với nhau không chỉ giải quyết vấn đề vĩ mô mà còn xử lý, giải quyết các vấn đề cụ thể như Quốc tịch, hộ tịch người dân sinh sống ở vùng biên giới, thúc đẩy công tác thi hành án dân sự…”- Bà Vân nêu rõ.
Tại lễ kỷ niệm, hai bên cũng đã trao tặng các hình thức khen thưởng cấp nhà nước ghi nhận công lao, thành tích của các tập thể và cá nhân trong củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tặng thưởng “Huân chương độc lập” các hạng cho 4 đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào; Quyết định tặng “Huân chương hữu nghị” cho 11 tập thể và 11 cá nhân; Quyết định tặng “Huy chương Hữu nghị” cho 4 tập thể và 15 cá nhân thuộc Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào. Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng đã quyết định tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 4 cá nhân, tặng “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp” cho 15 cá nhân. Dịp này, Chủ tịch nước CHDCND Lào cũng quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam; tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng; tặng Huân chương Tự do Ít - xa - la cho đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư Pháp và tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho các tập thể và cá nhân thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam.