Sáng 5/10, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam- Kinh nghiệm của CHLB Đức” dưới sự chủ trì của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh và PGS.TS Nguyễn Thị Nga.
Đại biểu và khách mời cùng nhau lưu giữ kỉ niệm tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Ông Axel Blaschke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam; Bà Trần Hồng Hạnh - Cán bộ Viện FE; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng đại diện các cơ quan ban ngành đến từ Cục cạnh tranh và bảo vệ tiêu dùng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Viện Khoa học pháp lý, Viện nghiên cứu lập pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Kiểm sát, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện phụ nữ Việt Nam.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có sự hiện diện của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Phòng hợp tác quốc tế; TS Nguyễn Văn Tuyến – Trưởng phòng Phòng Đào tạo sau đại học; TS Hoàng Ly Anh - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lí khoa học và trị sự Tạp chí; PGS.TS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Khoa Pháp luật dân sự; PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng khoa Khoa Pháp luật kinh tế và các thầy cô đại diện các khoa chuyên môn của Nhà trường.
Ông Axel Blaschke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi. Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/07/2021 của Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam- Kinh nghiệm của CHLB Đức” được tổ chức với sự phối hợp giữa Viện FES của CHLB Đức và Trường Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh cho biết đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cũng như những người làm thực tiễn cùng các chuyên gia đại diện của CHLB Đức trao đổi, chia sẻ nội dung chính sách, pháp luật, kinh nghiệm thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và gợi mở những bài học cho việc hoàn thiện lĩnh vực pháp luật này góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên. Hơn nữa, Hội thảo này cũng tạo cơ hội quý báu để các giảng viên, các nhà khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các đồng nghiệp CHLB Đức nhằm tăng cường sự hiểu biết, trau dồi năng lực chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý nói chung và đội ngũ chuyên gia pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho Việt Nam. Thay mặt Lãnh đạo, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới Viện FES với vai trò là cầu nối hỗ trợ tích cực, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác trao đổi nghiên cứu.
Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Tại phiên làm việc buổi sáng, đại biểu và khách mời sẽ được tìm hiểu tổng quan về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cụ thể là vấn đề về tổng quan pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay; Vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh;
Ngoài ra, các tham luận về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng - Tình hình ở Đức cho đến khi có chỉ thị mới của EU về khởi kiện tập thể; Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử sẽ được báo cáo tại phiên làm việc buổi chiều của Hội thảo.
Một số hình ảnh tại Hội thảo