Thực hiện chuỗi các hoạt động chào mừng Tuần lễ pháp luật Việt - Đức thường niên, chiều 6/10 Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện pháp luật đất đai Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức” dưới sự chủ trì của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh và PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến.
Đại biểu cùng khách mời tham dự chụp ảnh kỉ niệm tại Hội thảo
Hội thảo ngày hôm nay có sự hiện diện của ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; PGS.TS Trần Quốc Toàn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính,.... cùng sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hiệp hội Bất động sản việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Trường Đại học Thương mại;...
Về phía trường Đại học Luật Hà Nội có sự tham dự của TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Khoa Pháp luật kinh tế; TS. Trần Quang Huy - Nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng khoa Khoa Pháp luật kinh tế. Bên cạnh đó, về phía Viện FES có sự tham dự của ông Axel Blaschke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam và bà Trần Hồng Hạnh - Điều phối viên chương trình Viện FES.
Hội thảo quốc tế thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ pháp luật Việt - Đức do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Viện FES tổ chức trong hơn 10 năm qua đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác bền chặt và sâu rộng giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức. Hội thảo là diễn đàn tập trung trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là sự trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức nhằm gợi mở cho Việt Nam định hướng xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 1156/2022/QĐ/TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tư pháp và đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội. Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu, trao đổi những vấn đề trọng tâm nhằm đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam như: Nghị quyết số 18- NQ/TW và những vấn đề đặt ra cho việc hoàn thiện pháp luật đất đai Việt Nam; các vấn đề về sở hữu đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất và chính sách tài chính đất đai; vấn đề tích tụ và tập trung đất nông nghiệp; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong nước và các chủ thể có yếu tố nước ngoài; các vấn đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Đây là những vấn đề căn cốt của hệ thống pháp luật Việt Nam, có tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng.
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên phát biểu dẫn đề Hội thảo
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật đất đai Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức” là một trong những chủ đề rất thời sự trong thời điểm hiện nay. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là nội dung đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt. Thực hiện tốt công tác này chính là hoạt động để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18/NQ_TƯ ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Hội thảo góp phần lý giải sự cần thiết khách quan trước mắt là sửa đổi Luật Đất đai 2013 dự kiến trình Quốc Hội trong tháng 10/2022. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên gửi lời cảm ơn chân thành đến Viện FES đã là cầu nối hỗ trợ tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác trao đổi nghiên cứu.
Ông Axel Blaschke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu và khách mời sẽ được tập trung nghe các báo cáo của PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Khoa Pháp luật về Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khoá XIII và những vấn đề đặt ra cho việc hoàn thiện pháp luật đất đai Việt Nam; báo cáo của GS.TS Ulrich Battis - Đại học tổng hợp Humbodt Berlin về Sử dụng và quản lý đất; báo cáo của PGS.TS Vũ Quang, trường Đại học Bách Khoa & ThS Ngô Hồng Ánh Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên về Hoàn thiện quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Một số hình ảnh tại Hội thảo