Ngày 11/10, Phân hiệu Trường đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn tổ chức Hội thảo “Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai năm 2013”. Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại biểu đến từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của các tỉnh Tây Nguyên, các diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên đến từ Trường đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Tây Nguyên.
Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai từ năm 2013, việc tổ chức quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, Luật Đất đai năm 2013 tạo hành lang pháp lý khá đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai đã góp phần quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước như phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng đáng kể cho nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ rõ nhiều bất cập, tồn tại dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư cũng như gây lúng túng cho cơ quan Nhà nước trong việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai. Theo Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng, Nhà nước, bảo đảm phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định trong Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành; khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về đất đai. Chính vì vậy, Phân hiệu Trường đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn tổ chức Hội thảo này nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tiếp thu những bài học kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của các cán bộ hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật đất đai, các chuyên gia nghiên cứu về đất đai cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận
PGS. TS Nguyễn Văn Hương - Trưởng khoa Khoa Đào tạo chuyên ngành Phân hiệu trình bày tham luận
ThS. Nguyễn Đức Thịnh - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công đồng nông thôn trình bày tham luận
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe 9 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ đề cập đến các nội dung cần sửa đổi trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình kỳ họp Quốc hội sắp tới như: Những điểm mới nổi bật trong Nghị quyết số 18 - Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và một số thảo luận; Một số ý kiến góp ý các quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Kinh nghiệm quốc tế về chính sách khuyến khích về tích tụ, tập trung đất đai trong nông nghiệp; Phương pháp định giá, khung giá đất, bảng giá đất - Tồn tại và định hướng hoàn thiện; Tích tụ tập trung đất đai tại Tây Nguyên - Thực trạng và đề xuất chính sách; Các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và vấn đề quy định tội phạm trong Luật Đất đai. Các tham luận đã chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại trong Luật Đất đai năm 2013 và các chính sách về đất đai hiện hành dẫn đến khó khăn trong trong quá trình tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất góp ý sửa đổi những bất cập, tồn tại của Luật Đất đai năm 2013 nhằm hướng tới việc xây dựng Luật Đất đai mới với kỳ vọng giải quyết được tất cả những vấn đề còn đang khúc mắc, tồn đọng, làm cho chính sách đất đai ở Việt Nam trở nên minh bạch, thông thoáng hơn, tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với đất đai để đẩy lùi tham nhũng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và các thành phần trong xã hội.
Một số hình ảnh tại Hội thảo