Sáng 16/12, Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp và UNDP trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính và được thực hiện bởi UNDP và UNICEF.
Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh kỉ niệm tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Bà Đào Thị Thu An - Cán bộ quản lý Chương trình EU JULE, UNDP Việt Nam; Bà Trần Thị Minh Nguyệt - Cán bộ về giới, UNDP Việt Nam; Bà Trần Thị Thu Hiền - cán bộ Ban Quản lý Dự án Bộ Tư pháp; Các chuyên gia tư vấn: Bà Dương Kim Anh - Chuyên gia tư vấn trong nước, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; Ông Lương Văn Tuấn - Chuyên gia tư vấn trong nước - Giảng viên chính Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế cùng các giảng viên của các khoa chuyên môn.
Trao quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống là điều kiện cơ bản để đạt được bình đẳng giới và điều này đã được nhấn mạnh trong mục tiêu 5 của Chương trình Nghị sự 2030 về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu trong việc trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng được hoàn thiện để góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Như các quốc gia khác trên thế giới, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống BLGĐ và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam đã góp phần dần xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo đối xử công bằng, bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, giúp họ có thể thực hiện đầy đủ các quyền con người của mình, tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội.
Để hệ thống pháp luật, chính sách được thực hiện có hiệu quả trong thực tế, năng lực của những người hoạch định và thực thi chính sách, của lực lượng thực thi pháp luật đóng vai trò then chốt. Một trong những giải pháp để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao có hiểu biết, nhận thức đầy đủ và có hệ thống về giới là đầu tư sớm, trang bị kiến thức cho những người trong tương lai sẽ là những người xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, luật sư, thẩm phán... Với mục tiêu này, ý tưởng phát triển một môn học về giới, bình đẳng giới trong pháp luật cho sinh viên luật của Đại học Luật là một sáng kiến rất đáng trân trọng. Khóa học này sẽ nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn và kĩ năng về BĐG đồng thời xây dựng tính nhạy cảm giới của những nhà làm luật, thực thi pháp luật trong tương lai trong việc xác định và xử lý hiệu quả với những vấn đề liên quan tới giới.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh cho biết Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ở Việt Nam, các mục tiêu bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Hệ thống chính sách, pháp luật về giới và bình đẳng giới luôn không ngừng được củng cố, hoàn thiện và song hành với đó là việc triển khai quyết liêt, đồng bộ, hiệu quả hoạt động thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về giới và bình đẳng giới trong thực tiễn. PGS.TS Vũ Thị Lan Anh bày tỏ niềm tự hào khi Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật hàng đầu của Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc đưa vào chương trình giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề về giới và bình đẳng giới. Hiện tại, môn học Luật bình đẳng giới đã có trong chương trình đào tạo cử nhân luật của Trường; trong năm 2021 và 2022, với sự hỗ trợ của UNICEF Trường đã tiến hành chỉnh sửa đề cương giảng dạy của 22 môn học luật nhằm lồng ghép giới vào nội dung giảng dạy. Hiện tại, với sự hỗ trợ của UNDP trong khuôn khổ của Dự án EU JULE, Trường đang tiến hành xây dựng môn học “Giới, bình đẳng giới và pháp luật. Việc xây dựng và đưa môn học này vào chương trình đào tạo thể hiện sự quan tâm của Trường đối với việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới cũng như việc chú trọng phát triển các môn học theo hướng liên ngành, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường lao động đối với nhân lực trong lĩnh vực pháp luật.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ quý báu của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE), Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP cũng như các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế và Ban Quản lý Dự án của Bộ Tư pháp. PGS.TS Vũ Thị Lan Anh hy vọng rằng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu cho Dự thảo tập bài giảng môn học Giới, Bình đẳng giới và Pháp luật mà Trường đang triển khai xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Đào Thị Thu An - Quản lý dự án EU JULE - Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam hy vọng rằng tập bài giảng Giới, BĐG và Pháp luật không chỉ là nguồn tài liệu học thuật có giá trị cao, giúp nâng cao năng lực, kiến thức về giới cũng như tăng cường khả năng nhạy cảm giới cho sinh viên ngành luật - các cán bộ làm việc trong lĩnh vực pháp luật tương lai, giúp họ xác định và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề giới, mà còn là nguồn tài liệu giảng dạy, nghiên cứu hữu ích cho các cán bộ đang làm việc ở các lĩnh vực liên quan để có thể làm tốt công việc của minh cũng như cho các trường dạy luật khác có thể tham khảo trong tương lai. Bên cạnh đó, Bà Đào Thị Thu An cũng gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Luật Hà Nội vì những nỗ lực trong việc tổ chức hoạt động này. Chúng tôi xin cảm ơn nhóm chuyên gia đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình biên soạn tập bài giảng và cùng chuẩn bị tổ chức sự kiện cũng như cảm ơn các đại biểu đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Học viện Phụ nữ, Đại học Quốc gia và Đại học Ngoại Thương.
Bà Đào Thị Thu An - Quản lý dự án EU JULE - Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội thảo