Sáng 20/4, bà Angelika Schlunck và Đoàn làm việc của Bộ Tư pháp CHLB Đức đã sang thăm và có buổi nói chuyện tại Trường Đại học Luật Hà Nội về chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin, những tiến bộ công nghệ trong công tác quản lý, vận hành của Bộ Tư pháp liên bang CHLB Đức nói riêng và trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp nói chung”.
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên và đại diện lãnh đạo các đơn vị chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả của các các chương trình Hợp tác Đối thoại Nhà nước và Pháp quyền giữa Bộ Tư pháp CHLB Đức và đối tác phía Việt Nam, Đoàn làm việc của Bộ Tư pháp CHLB Đức do Bà Angelika Schlunck - Quốc vụ khanh bộ tư pháp CHLB Đức dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 18 – 22/4/2023. Nhân dịp này, Đoàn làm việc của Bộ Tư pháp CHL Đức sang thăm và bà Angelika Schlunck có buổi nói chuyện tại Trường Đại học Luật Hà Nội
Tham dự buổi làm việc có Bà Angelika Schlunck - Quốc vụ khanh bộ tư pháp CHLB Đức; Bà Andrea Isabell Dicke – Thư ký Quốc vụ khanh; Bà Anne Katharina Zimmermann – Chuyên viên Bộ Tư pháp; Bà Frauke Bachler – IRZ (Quỹ hợp tác pháp lý quốc tế Đức) cùng các thành viên đại diện Đại sứ quán Đức.
Tiếp Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck và Đoàn làm việc của Bộ Tư pháp CHL Đức có TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà Trường, phụ trách hoạt động hợp tác quốc tế và Lãnh đạo Phòng Hợp tác Quốc tế; Điều phối viên Trung tâm Pháp luật Đức.
Tại buổi tiếp, TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường đã thông tin nhanh tới Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck về một số hoạt động hợp tác của Trường Đại học Luật Hà Nội và các đối tác Đức trong thời gian qua. Hàng năm, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Viện FES tổ chức sự kiện “Những ngày pháp luật Đức” với nhiều hội thảo có nội dung phong phú, mang tính thời sự như: "Đại dịch Covid 19 và những vấn đề pháp lý đặt ra", "Hoàn thiện Pháp luật về Quyền tác giả - Nghiên cứu kinh nghiệm của CHLB Đức" trong tháng 10 năm 2021; “Hoàn thiện pháp luật đất đai Việt Nam và kinh nghiệm của CHLB Đức”, “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam - Kinh nghiệm của CHLB Đức” trong năm 2022. Chủ đề Hội thảo là những vấn đề thời sự, được các đại biểu tham dự rất quan tâm và tham dự đông đảo. Đây là các hoạt động thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy của giảng viên và nhà khoa học, đặc biệt là đã có báo cáo cho các nhà lập pháp của Quốc hội Việt Nam, đóng góp tích cực cho hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật.
Bên cạnh đó FES cũng hỗ trợ tổ chức một số Hội thảo khác về trọng tài thương mại, quyền dân sự về nhà đất, quyền sử dụng đất. Các hội thảo thu hút được sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên của Trường cũng như từ các trường, cơ quan tổ chức khác, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị khoa học cho quá trình xây dựng pháp luật cũng như thi hành pháp luật. Các buổi trình bày, trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia Đức và giảng viên của Trường góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác trong công tác giảng dạy và nghiên cứu giữa Trường và các đối tác Đức. Hoạt động khóa học mùa xuân Đức Việt cho sinh viên vẫn được duy trì đều đặn và có kết quả tốt ngay cả trong điều kiện dịch bệnh (tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tuyến kết hợp trực tiếp). Ngoài ra, Nhà trường hằng năm còn được đón nhận nhiều suất học bổng thông qua Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới Đức và Văn phòng Hessen Việt Nam dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực vươn lên đạt kết quả học tập tốt.
Với sự hỗ trợ của DAAD, GS Simon làm việc ở Trung tâm Pháp luật Đức của Nhà trường và có những hoạt động đóng góp cho các hội thảo khoa học cũng như việc giảng dạy tiếng Đức cho sinh viên. Các chuyên gia, giảng viên đến từ CHLB Đức là những người có uy tín khoa học cao, có nhiều kinh nghiệm quốc tế nên có thể có những ý kiến đóng góp bổ ích từ góc độ quốc tế về những vấn đề pháp lý đối với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid 19 cũng như tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến đổi phức tạp đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động hợp tác giữa các đối tác Đức và Trường. Quy mô một số dự án bị cắt giảm, rút ngắn và số lượng chuyên gia Đức ngày càng ít đi. FES và DAAD là 02 tổ chức tài trợ chính cho hoạt động của Trung tâm pháp luật Đức đang có cắt giảm tài trợ. FES vẫn cam kết tài trợ nhưng ít hơn. DAAD không có tài trợ nào trong năm 2023, đặc biệt là không còn chuyên gia Đức, giáo sư thỉnh giảng, giảng viên tiếng Đức làm việc tại Trung tâm pháp luật Đức. Bang Hessen thông qua Tổ chức hỗ trợ đại học thế giới WUS cũng giảm số lượng học bổng dành cho sinh viên của Trường.
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên và Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck tại buổi làm việc
Chính vì vậy, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên mong muốn FES, DAAD tiếp tục tài trợ cho các hoạt động đã được ghi trong Thỏa thuận hợp tác giữa HLU và FES (và DAAD). Theo đó, FES sẽ hỗ trợ cung cấp học bổng nghiên cứu ngắn hạn, dài hạn hàng năm dành cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội; Hỗ trợ chuyên gia để tham gia giảng dạy các khóa học về pháp luật Đức và châu Âu cho sinh viên do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức; Hỗ trợ trong khuôn khổ hợp tác với Trường Đại học Luật Hà Nội và các trường đại học Đức có liên quan tổ chức Khóa học mùa xuân hàng năm tại Đức hoặc tại Việt Nam với các chủ đề do các bên thống nhất lựa chọn; Cung cấp thiết bị văn phòng hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Pháp luật Đức trên cơ sở nhu cầu và điều kiện ngân sách cho phép.
Cảm ơn sự đón tiết nồng hậu từ Nhà trường, Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck đánh giá cao các thành tựu mà Trường Đại học Luật Hà Nội và các đối tác từ phía Đức đã đạt được trong nhiều năm qua. Bà Angelika Schlunck mong muốn tiếp tục chương trình Hợp tác Đối thoại Nhà nước và Pháp quyền giữa Bộ Tư pháp CHLB Đức và đối tác phía Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động trong khuôn khổ chương trình với Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong tương lai. Bà Angelika Schlunck nhấn mạnh Bộ Tư pháp CHLB Đức sẽ tiếp tục các dự án đang thực hiện với Việt Nam nói chung và Trường Đại học Luật Việt Nam nói riêng. Tiếp tục quan tâm, thúc đẩy các hoạt động với Trường Đại học Luật Hà Nội để góp phần tăng cường hợp tác với các đối tác nhằm củng cố và tăng cường Trung tâm về mặt tổ chức cũng như phương tiện để triển khai các hoạt động có hiệu quả hơn.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo Nhà trường, bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck đã có buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên để chia sẻ về “Ứng dụng công nghệ thông tin, những tiến bộ công nghệ trong công tác quản lý, vận hành của Bộ Tư pháp liên bang CHLB Đức nói riêng và trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp nói chung”.
Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck chụp ảnh cùng các em sinh viên tại buổi nói chuyện
Tại buổi nói chuyện, Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck cho biết quá trình số hoá trong hoạt động tư pháp đòi hỏi của tất cả các bên tham gia. Tuy nhiên, để bao quát kết nối với các bên tham gia đó cần phải có một “con ngựa đầu đàn” có thể liên kết các đơn vị để tạo ra các giải pháp tích cực và sáng tạo ra chương trình làm việc, chương trình quản lí trong ngành tư pháp để công dân có thể tiếp cận các cơ quan tư pháp một cách thuận tiện nhất. Bà Angelika Schlunck khẳng định chủ đề số hoá ngành tư pháp sẽ được đề cập đến nhiều hội thảo khác nhau với sự tham gia của Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật cũng như trong khuôn khổ của chương trình Hợp tác Đối thoại Nhà nước và Pháp quyền giữa Bộ Tư pháp CHLB Đức và đối tác phía Việt Nam.
Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck chia sẻ về “Ứng dụng công nghệ thông tin, những tiến bộ công nghệ trong công tác quản lý, vận hành của Bộ Tư pháp liên bang CHLB Đức nói riêng và trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp nói chung”
Nhân dịp này, Bà Quốc vụ khanh Angelika Schlunck và đoàn công tác đã thăm Trung tâm Pháp luật Đức của Nhà trường.