Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô" sẽ có sự tham dự của 350 đại biểu, trong đó có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ khoảng 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sáng 28/7, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội và Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp tổ chức họp báo về Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
350 đại biểu tham dự hội thảo
Dự buổi họp báo có các đồng chí: Nguyễn Thanh Sơn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Nguyễn Thanh Học -Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Việt Hùng -Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Nguyễn Tố Quyên - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội; Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.
Toàn cảnh buổi họp báo
Thay mặt các đơn vị chủ trì hội thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng cho biết, ngày 1/8, hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức thông qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc các trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm phát huy năng lực nghiên cứu của đội ngũ tri thức, các nhà khoa học trên địa bàn Thành phố; kết nối giữa đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia với các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
Ông Chu Mạnh Hùng nhìn nhận, định hướng của thành phố Hà Nội cũng gắn liền với mong mỏi của giới khoa học và các cơ sở khoa học, nghiên cứu trên địa bàn Thành phố giới, mong muốn có cơ hội đóng góp cho Thành phố. Thông qua hội thảo, ngoài việc góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô, còn là dịp để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung và Hà Nội nói chung về Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hội thảo sẽ có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm các đại biểu là đại diện của Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu; các đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương; đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô.
Đại biểu thành phố Hà Nội có sự tham dự của các đồng chí đại diện lãnh đạo: Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố; các ban Đảng của Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân; Văn phòng (Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân); Giám đốc các Sở, Bí thư Quận ủy, Huyện ủy của 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố.
“Đặc biệt, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, ông Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại họp báo
Hội thảo tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 vấn đề: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Quản lý sử dụng đất đai; Đào tạo giáo dục Thủ đô và Phát triển văn hóa; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô.
Bên cạnh các tham luận liên quan đến 9 chính sách, còn có các bài viết về kinh nghiệm quản lý đô thị, phân quyền, phân cấp của Trung ương cho địa phương… nhằm tham góp các luận cứ khoa học của đội ngũ tri thức, nhà khoa học với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu trong xây dựng Luật.
Ông Chu Mạnh Hùng cho biết thêm, các trường đại học, cao đẳng với thế mạnh chuyên môn riêng sẽ tham góp trực tiếp vào 9 chính sách, 5 chương nội dung của Dự luật; trong đó có 11 tham luận sẽ phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Kết thúc hội thảo, tạp chí Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ phát hành số chuyên đề về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Góp ý, gợi mở chính sách cho Hà Nội
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của Luật Thủ đô, kết qua triển khai thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 trong những năm qua; sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi); 9 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Học đề nghị các cơ quan báo chí đưa ra các góc nhìn, góp ý, gợi mở chính sách cho Hà Nội.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cũng mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về sức lan tỏa, tác động của Luật Thủ đô (sửa đổi) tới xã hội, hệ thống chính trị Trung ương, địa phương, các cơ quan, ban, ngành thành phố Hà Nội, nhân dân Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước; khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đột phá cho việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Học nhấn mạnh, để hoàn thiện Dự án Luật, còn nhiều việc phải làm, trong đó, việc tổ chức các hội thảo là một kênh quan trọng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền về nêu bật kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); các đề xuất sửa Luật; công tác chuẩn bị nội dung, sự phối hợp của thành phố Hà Nội với cơ quan chủ trì soạn thảo; sự thống nhất, đồng bộ của Luật Thủ đô với hệ thống pháp luật; các ý kiến góp ý của Nhân dân, đặc biệt là của đội ngũ khoa học, tri thức…
Đặc biệt, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy mong muốn các cơ quan báo chí sẽ khai thác, đưa ra các góc nhìn, góp ý, gợi mở chính sách cho Hà Nội…; nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Thủ đô là cơ sở quan trọng mang tính đột phá để phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15-NQ-TW.
Nguồn: Phương Thảo Báo Lao động Thủ đô