Thực hiện Kế hoạch số 61A/KH-BGDĐT ngày 27/01/2023 của Bộ GDĐT về thực hiện Khung trình độ Quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, căn cứ Kế hoạch số 1377/KH-BGDĐT ngày 14/8/2023 của Bộ GDĐT về tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý và tổ chức thẩm định ban hành Chuẩn chương trình đào tạo Khối ngành Pháp luật trình độ đại học, sáng 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo Khối ngành Pháp luật trình độ đại học.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm xin ý kiến dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo Khối ngành Pháp luật trình độ đại học
Buổi Toạ đàm được tổ chức nhằm mục đích lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, các cơ sở đào tạo và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo và Hướng dẫn thực hiện Chuẩn chương trình đào tạo; góp ý hoàn thiện cách thức, quy trình, lộ trình triển khai Chuẩn chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo có đào tạo Khối ngành Pháp luật.
Tham dự toạ đàm, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có PGS.TS Hoàng Minh Sơn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học; PGS.TS Nguyễn Anh Dũng Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; TS. Nguyễn Thị Thu Thủy Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; PGS.TS Hoàng Văn Chương Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.
Đại diện Bộ Công An có Thiếu tướng, PGS. TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an
Về phía Hội đồng thẩm định Chuẩn CTĐT khối ngành PL trình độ ĐH có GS. TS Lê Minh Tâm, Nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Chuẩn CTĐT khối ngành PL trình độ ĐH
Đại diện Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn CTĐT khối ngành PL trình độ ĐH có PGS. TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Luật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn CTĐT khối ngành PL trình độ ĐH; PGS. TS Tô Văn Hoà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Trưởng ban chuyên môn xây dựng Chuẩn CTĐT khối ngành PL trình độ ĐH
Đại diện cho Trường Đại học Luật Hà Nội - đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi toạ đàm có sự tham dự của TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trường Nhà trường.
Toàn cảnh Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết theo Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018, cách tiếp cận trong việc xây dựng chương trình đào tạo có sự đổi mới căn bản đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Chuẩn chương trình đào tạo và quy định này đã được ban hành năm 2021. Trên cơ sở quy định về Chuẩn chương trình đào tạo cho trình độ giáo dục đại học, Bộ giáo dục và đào tạo cùng các Bộ ngành liên quan thành lập hội đồng tư vấn để xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực,các khối ngành.
Trong số các lĩnh vực, lĩnh vực pháp luật là lĩnh vực đầu tiền đưa ra dự thảo để tiến hành Toạ đàm xin ý kiến và thực hiện các bước thẩm định. Với cách tiếp cận này thay vì đưa ra các quyết định chi tiết trong khung chương trình đào tạo, Chuẩn chương trình đào tạo đưa ra các yêu cầu và những yêu cầu về lượng kiến thức, cấu trúc chương trình đào tạo, chuẩn đào tạo đầu ra, chuẩn đội ngũ giảng viên… đó là những yêu cầu tối thiểu. Trên yêu cầu tối thiểu đó, căn cứ quy định tự chủ của các cơ sở đào tạo từ đó xây dựng chương trình đào tạo để đáp ứng được nhu cầu này. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo về toàn bộ hệ thống có Chuẩn chương trình đào tạo chung nhưng trong đó tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở đào có điểm mạnh riêng từ đó cụ thể hoá trong chương trình đào tạo. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn hy vọng các thầy cô trong hội đồng tư vấn lắng nghe, tiếp thu, trao đổi để có được sự đồng thuận cao nhất từ đó tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kết luận cuối cùng.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu chào mừng Toạ đàm, TS. Đoàn Trung Kiên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh Tọa đàm hôm nay là hoạt động có ý nghĩa không chỉ đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành pháp luật mà còn có ý nghĩa lớn đối với công tác đào tạo cán bộ pháp luật của nước nhà trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc có được Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật là rất cần thiết để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, mà một trong các giải pháp là: “Phát triển nguồn nhân lực pháp luật, hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Phát triển khoa học pháp lý, nâng cao chất lượng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo pháp luật.”
TS Đoàn Trung Kiên hy vọng trong buổi Tọa đàm hôm nay được cùng với các cơ sở đào tạo luật trong cả nước lắng nghe các ý kiến trao đổi, góp ý đối với Chuẩn chương trình đào tạo Khối ngành pháp luật trình độ đại học để Hội đồng thẩm định có thêm cơ sở đánh giá, thẩm định đối với Chuẩn chương trình. Bên cạnh đó, Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật trình độ đại học sớm được ban hành, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học đào tạo pháp luật nói chung và Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng tiếp tục đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, từng bước hội nhập quốc tế về chất lượng đào tạo, góp phần cho công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
TS. Đoàn Trung Kiên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu chào mừng Tọa đàm
Tại toạ đàm, các đại biểu tham dự sẽ được lắng nghe Báo cáo tổng hợp quá trình xây dựng, nội dung Dự thảo Chuẩn CTĐT và Hướng dẫn sử dụng Chuẩn CTĐT khối ngành pháp luật trình độ đại học của PGS. TS Vũ Thị Lan Anh Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn CTĐT khối ngành pháp luật. Hội đồng tư vấn đã tiến hành xây dựng Dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học đúng và đầy đủ theo 7 bước quy trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo được quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT. Chuẩn CTĐT khối ngành pháp luật là những yêu cầu chung, tối thiểu đối với tất cả các chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành trình độ đại học thuộc khối ngành Pháp luật để bảo đảm chất lượng đào tạo.
PGS. TS Vũ Thị Lan Anh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn CTĐT khối ngành pháp luật trình bày Báo cáo tổng hợp quá trình xây dựng, nội dung Dự thảo Chuẩn CTĐT và Hướng dẫn sử dụng Chuẩn CTĐT khối ngành pháp luật trình độ đại học
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo và Hướng dẫn thực hiện Chuẩn chương trình đào tạo; góp ý hoàn thiện cách thức, quy trình, lộ trình triển khai Chuẩn chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo có đào tạo Khối ngành Pháp luật, Hội đồng tư vấn và Ban chuyên môn xây dựng Chuẩn CTĐT trình độ đại học đã lắng nghe các ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, các cơ sở đào tạo và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Sau hơn 5 tiếng làm việc, buổi Toạ đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của tất cả các quý vị đại biểu đại diện các cơ sở đào tạo luật trong cả nước và các đơn vị, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý tại buổi Toạ đàm ngày hôm nay, Chuẩn CTĐT khối ngành PL trình độ Đại học sẽ sớm được hoàn thiện, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành trở thành căn cứ quan trọng để các cơ sở đào tạo luật xây dựng, ban hành CTĐT phù hợp với đặc thù của ngành đào tạo cụ thể của mình trong khối ngành pháp luật.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm