Với mong muốn không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường, góp phần đào tạo sinh viên vừa có tri thức vừa có sức khỏe tốt để học tập và lao động, sáng ngày 08/11/2023 Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo “Công tác giáo dục thể chất Trường Đại học Luật trong giai đoạn hiện nay” dưới sự chủ trì của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Thủy – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Trần Trọng Thân – Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp; TS. Vũ Quốc Huy – Học viện Ngân hàng. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS Đỗ Thị Phượng – Phó trưởng khoa Pháp luật hình sự; TS. Nguyễn Triều Dương – Trưởng phòng Đào tạo đại học, TS. Đỗ Thị Tươi – Trưởng Bộ môn Giáo dục thể chất cùng đông đảo giảng viên và sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho rằng giáo dục thể chất giữ một vị trí hết sức quan trọng trong trường học nói chung và Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng. PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cũng đánh giá cao những kết quả mà Bộ môn Giáo dục thể chất đã đạt được trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thời gian qua, đồng thời khẳng định công tác giáo dục thể chất của Trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, còn những khó khăn thách thức cần giải quyết.
TS. Đỗ Thị Tươi cho rằng sức khỏe là vốn quý của mỗi con người, có sức khỏe mới học tập và lao động hiệu quả. Tuy nhiên công tác giáo dục thể chất hiện nay còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan. Hội thảo mong muốn nhận được sự chia sẻ tâm huyết từ các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, của các thầy cô giáo và đặc biệt là các em sinh viên, những người chịu sự tác động trực tiếp từ công tác giáo dục thể chất trong nhà trường để chất lượng công tác giáo dục thể chất Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục được nâng cao.
Hội thảo đã lắng nghe các tham luận “Những yếu tố ảnh hưởng tới hứng thú trong giờ học giáo dục thể chất của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội” của TS. Đỗ Thị Tươi – Trường Đại học Luật Hà Nội; tham luận “Hiệu quả dạy học trực tuyến môn giáo dục thể chất sau một năm học của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp” của TS. Trần Trọng Thân - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, tham luận “Lựa chọn biện pháp nâng cao tính tự giác tích cực trong giờ học Bóng chuyền cho sinh viên K72 khối sư phạm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” của TS. Nguyễn Thị Thủy - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; tham luận “Nghiên cứu lựa chọn các bài tập phát triển sức bền chuyên môn cho đội tuyển Bóng rổ nữ Học viện Ngân hàng” của TS. Vũ Quốc Huy – Học viện Ngân hàng; tham luận “Diễn biến thể lực của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội” của ThS. Nguyễn Hải Tùng - Trường Đại học Luật Hà Nội”; tham luận “Hoạt động ngoại khóa CLB Bóng rổ trong công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội” của sinh viên Hoàng Triệu Hà – Chủ nhiệm câu lạc bộ bóng rổ sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến công tác giảng dạy môn học Giáo dục thể chất, đến thực trạng thể lực của sinh viên, công tác huấn luyện thể thao cũng như hoạt động ngoại khóa của sinh viên. Hội thảo nhất trí cho rằng sức khỏe nói chung, thể lực nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống cũng như hoạt động thể chất. Các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều người trẻ, trong đó có sinh viên chưa thực sự quan tâm đến việc rèn luyện thân thể, chưa coi trọng vai trò của môn học Giáo dục thể chất hay thể dục thể thao đối với đời sống cá nhân. Để nâng cao chất lượng công tác Giáo dục thể chất trong nhà trường, cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc cải thiện cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, đào tạo giảng viên, có chính sách khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao trường học…
Tại hội thảo, TS. Đỗ Thị Tươi đã đề xuất các giải pháp nâng cao hứng thú học tập cho sinh viên, đại biểu cho rằng khi sinh viên có hứng thú học tập đối với môn học thì hiệu quả học tập sẽ được nâng lên. Quan điểm này được hội thảo hoàn toàn đồng tình, các đại biểu cho rằng giảng viên phải là người truyền cảm hứng, phải thu hút được sinh viên, phải làm thế nào để sinh viên yêu thích và tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục thể chất nói riêng và hoạt động Thể dục thể thao nói chung, chỉ có như vậy mới phát huy hết vai trò của công tác giáo dục thể chất trong trường học. Để nâng cao hứng thú cho sinh viên trong giờ học giáo dục thể chất, các đại biểu đề xuất việc xây dựng chương trình môn học cần lựa chọn các môn hiện đại, được đông đảo sinh viên yêu thích, đồng thời có tính ứng dụng cao và dễ dàng tập luyện. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng sức bền ảnh hưởng rất lớn tới khả năng làm việc và học tập lâu dài của mỗi cá nhân và đề nghị khi xây dựng chương trình môn học Giáo dục thể chất cần đặt ra tiêu chí thể lực phù hợp với sinh viên.
Kết thúc hội thảo, ThS. Nguyễn Hải Tùng – Phó trưởng Bộ môn Giáo dục thể chất cảm ơn và đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo. Đồng thời khẳng định, những ý kiến phát biểu tại hội thảo là vô cùng quý báu, là cơ sở để Bộ môn Giáo dục thể chất tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp có tính đồng bộ để nâng cao chất lượng công tác Giáo dục thể chất Trường Đại học Luật Hà Nội.