Ngày 24 tháng 11 năm 2023, Trường Đại học Luật Hà Nội với sự hỗ trợ từ UNDP, Ban Quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 lớp giảng thử với sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội về tập bài giảng giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật.
Hai lớp giảng thử với sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội về tập bài giảng giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật đã được tổ chức tại Phòng học A702, Trường Đại học Luật Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án EU JULE) hỗ trợ Trường Đại học Luật Hà Nội trong việc xây dựng chương trình môn học “Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật”. Dự án EU JULE được tài trợ bởi Liên minh châu Âu với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP và Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong các đơn vị thụ hưởng của Dự án.
Để xây dựng và hoàn thiện tập bài giảng Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội với sự hỗ trợ từ UNDP, Ban Quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp và đặc biệt là các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau trải qua một chặng đường dài từ năm 2021 đến nay, với các cuộc họp kĩ thuật xây dựng và lấy ý kiến đề cương, hội thảo tham vấn và các buổi tập huấn…. Tập bài giảng Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật đã được Hội đồng Khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội thông qua ngày 31/8/2023 và được tổ chức tập huấn cho các giảng viên nguồn của Trường Đại học Luật Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm 2023.
Tham dự 02 lớp giảng thử có: Đại diện của UNDP: Bà Trần Thị Minh Nguyệt – Cán bộ về giới, UNDP Việt Nam; Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội: PGS.TS. Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự; Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn có: PGS.TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viên Phụ nữ Việt Nam và TS. Lương Văn Tuấn, giảng viên Học Viện Tư pháp; Giảng viên tham gia giảng dạy lớp giảng thử: TS. Bùi Minh Hồng và TS. Bùi Thị Mừng, giảng viên Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội; Học sinh tham gia lớp giảng thử là hơn 30 sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
Lớp giảng thử nhằm mục đích đảm bảo rằng tập bài giảng đáp ứng đúng mục tiêu và yêu cầu của người học sử dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm đã được các sinh viên tham dự tích cực trao đổi và thảo luận sôi nổi, hiệu quả.
Trường Đại học Luật Hà Nội luôn tự hào là cơ sở đào tạo luật hàng đầu của Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc đưa vào chương trình giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề về giới và bình đẳng giới. Hiện tại, môn học Luật bình đẳng giới đã có trong chương trình đào tạo cử nhân luật của Trường; trong năm 2021 và 2022, với sự hỗ trợ của UNICEF Trường đã tiến hành chỉnh sửa đề cương giảng dạy của 22 môn học luật nhằm lồng ghép giới vào nội dung giảng dạy. Hiện tại, với sự hỗ trợ của UNDP trong khuôn khổ của Dự án EU JULE, tâp bài giảng môn học “Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật” đã được các chuyên gia biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện và được Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nghiệm thu thông qua. Việc xây dựng và đưa môn học này vào chương trình đào tạo thể hiện sự quan tâm của Trường đối với việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới cũng như việc chú trọng phát triển các môn học theo hướng liên ngành, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường lao động đối với nhân lực trong lĩnh vực pháp luật.
Với những khởi đầu thuận lợi này, tập bài giảng Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật không chỉ là nguồn tài liệu học thuật có giá trị cao, giúp nâng cao năng lực, kiến thức về giới cũng như tăng cường khả năng nhạy cảm giới cho sinh viên ngành luật - các cán bộ làm việc trong lĩnh vực pháp luật tương lai, giúp họ xác định và xử lý một cách những vấn đề giới, mà còn là nguồn tài liệu giảng dạy, nghiên cứu hữu ích cho các cán bộ đang làm việc ở các lĩnh vực liên quan để có thể làm tốt công việc của minh cũng như cho các trường dạy luật khác có thể tham khảo trong tương lai.