Nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2023 “Xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, chiều 2/12/2023, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về việc thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát và bài học cho Việt Nam”.
Các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về việc thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát và bài học cho Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý; TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý; TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (tham dự trực tuyến); TS. Lưu Hương Ly - Trưởng phòng Pháp luật dân sự Vụ Pháp luật dân sự kinh tế; ThS. Bùi Thanh Hằng - Chuyên gia ươm tạo doanh nghiệp Khoa học công nghệ Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ; Ông Đoàn Tử Tích Phước - Giám đốc cấp cao về Pháp chế và Đối ngoại, Công ty Cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (Ví điện tử Momo); Bà Dương Thị Thu Thảo - Trưởng phòng pháp chế Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY); Ông Nguyễn Hồng Mạnh - người sáng lập công ty công nghệ ASDI GROUP; Ông Phạm Quang Trung - Đồng sáng lập công ty công nghệ ASDI GROUP; Bà Đặng Thúy Hạnh - Chuyên viên pháp chế Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media, nguyên chuyên viên Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS Trần Minh Ngọc - Trưởng khoa Khoa Pháp luật quốc tế.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới trong một không gian rộng mở, xóa nhòa biên giới và khoảng cách giữa các quốc gia. Tuy nhiên, khác những sản phẩm/dịch vụ truyền thống trên thị trường, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới nảy sinh trong thời đại công nghệ số và vạn vật kết nối internet thường không có các quy định pháp lý phù hợp để điều chỉnh. Với mục đích tạo điều kiện cho các ý tưởng được tự do phát triển nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của khung khổ pháp lý, một trong những giải pháp tiếp cận mềm dẻo của nhiều quốc gia trên thế giới là xây dựng và áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (“regulatory sandbox” hay “sandbox”.
Sandbox tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách riêng (nằm ngoài khung chính sách hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới. “Khung pháp lý thí điểm” là một cách tiếp cận mới và khá linh hoạt trong kỹ thuật lập pháp, cho phép thử nghiệm trực tiếp, giới hạn thời gian của các đổi mới dưới sự giám sát điều chỉnh.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư. Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư như sau: “Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm.” Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã đề ra một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2020 là “ban hành khuôn khổ cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt”.
Hội thảo tổ chức với mục đích tham khảo kinh nghiệm quốc tế, pháp luật của một số quốc gia về thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát cũng như đề xuất các bài học và khuyến nghị cho Việt Nam trong việc thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh bên cạnh chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực tiễn cũng cho thấy nhu cầu cấp bách từ sự phát triển như vũ bão của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng như sự thâm nhập của khoa học và công nghệ mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội đã làm cho các cơ chế quản lý hiện hành dần trở nên không theo kịp. Qua đó có thể nhận thấy việc nghiên cứu xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để tích cực, chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là thực sự cần thiết trong bối cảnh của cuộc cách mạng số và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.
PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại buổi lễ.
Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh hy vọng rằng đây thực sự là một diễn đàn khoa học bổ ích với tiếng nói từ các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam, các nhà kinh doanh để chúng ta có thể tiếp thu được kinh nghiệm phát triển khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở một số quốc gia, đánh giá quá trình triển khai, thành tựu, khó khăn, thách thức, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng và thiết kế khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát.
Tại hội thảo các đại biểu sẽ được lắng nghe, trao đổi về các vấn đề liên quan đến inh nghiệm thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Singapore và bài học cho Việt Nam; kinh nghiệm thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Liên bang Nga và bài học cho Việt Nam; kinh nghiệm thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Đức và bài học cho Việt Nam; Kinh nghiệm thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Đài Loan (Trung Quốc) và bài học cho Việt Nam; Dự báo xu thế phát triển khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát và các lĩnh vực cần triển khai khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Việt nam.
Toàn cảnh Hội thảo.