Sáng 18/12, Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ đã có buổi trao đổi khả năng hợp tác giữa hai Trường.
Đại diện lãnh đạo Nhà trường và Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ cùng nhau chụp ảnh lưu niệm.
Tham dự buổi làm việc, về Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ có TS. Mohan Kumar - Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Bahrain và Pháp, Trưởng khoa Sáng kiến Chiến lược và Quốc tế, Giáo sư Thực hành Ngoại giao; GS. Padmanabha Ramanujam - Trưởng khoa Quản trị Học thuật; TS. Akhil Bharadwaj - Giám đốc Quan hệ Quốc tế và Sáng kiến Toàn cầu; TS. Rahul Bhandari - Trợ lý giáo sư và Đồng Giám đốc hợp tác quốc tế tại JGU.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS. TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế; TS. Hoàng Ly Anh - Q.Trưởng phòng Phòng Khoa học và Công nghệ; TS. Nguyễn Triều Dương - Trưởng phòng Phòng Đào tạo đại học; ThS. Trần Ngọc Định - Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ.
Mở đầu, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời chào mừng và cảm ơn các chuyên gia Đại học quốc tế Jindal, Ấn Độ đã dành thời gian đến thăm và làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội trong chuyến công tác đến Việt Nam lần này. PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh cũng đã giới thiệu ngắn gọn về lịch sử hình thành, phát triển và các hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Đại diện Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ, TS. Mohan Kumar - Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Bahrain và Pháp, Trưởng khoa Sáng kiến Chiến lược và Quốc tế, Giáo sư Thực hành Ngoại giao đã trao đổi khả năng hợp tác giữa hai Trường về các nội dung như nghiên cứu chung, các dự án hợp tác và nỗ lực hợp tác để cải thiện nghiên cứu; thực tập sinh viên; trao đổi sinh viên và giảng viên ngắn hạn và một học kỳ; tổ chức hội thảo về các chủ đề hai bên cùng quan tâm.
Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh đánh giá cao mối quan tâm Đại học quốc tế Jindal, Ấn Độ dành cho Trường Đại học Luật Hà Nội. Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh cũng mong muốn Đại học quốc tế Jindal, Ấn Độ chia sẻ thêm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và những thế mạnh của Trường để hỗ trợ Trường Đại học Luật Hà Nội trong công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu. Phó Hiệu trưởng hy vọng hai Trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động hợp tác quốc tế và sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác tích cực, hiệu quả giữa hai Trường trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Giới thiệu Đại học toàn cầu OP Jindal (JGU), Ấn Độ Đại học toàn cầu OP Jindal (JGU) là một trường đại học toàn cầu phi lợi nhuận được Ủy ban tài trợ đại học (UGC) ở Ấn Độ công nhận. JGU là một trong 10 trường đại học tư thục duy nhất ở Ấn Độ được Bộ Giáo dục, Chính phủ Ấn Độ công nhận là 'Học viện xuất sắc' (IoE). JGU được xếp hạng là Đại học Tư thục Số 1 của Ấn Độ theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS uy tín năm 2022. JGU cũng được công nhận trong số 150 trường đại học hàng đầu trên toàn cầu được thành lập dưới 50 năm theo Bảng xếp hạng Đại học Trẻ QS. JGU cũng đã được công nhận là một 500 trường đại học hàng đầu theo Bảng xếp hạng của QS năm 2022. Trường Luật Toàn cầu Jindal đã được xếp hạng là Trường Luật số 1 của Ấn Độ và là Trường Luật tốt thứ 70 trên thế giới theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS năm 2022. JGU cũng là trường đại học Ấn Độ được xếp hạng cao nhất, tập trung vào Khoa học Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, đồng thời là trường đại học Ấn Độ trẻ nhất lọt vào bảng xếp hạng năm nay. JGU được xếp hạng trong số 300 trường đại học hàng đầu thế giới về tỷ lệ giảng viên-sinh viên (1:9) và được xếp hạng trong số 450 trường đại học hàng đầu thế giới về danh tiếng nhà tuyển dụng. Ngoài ra, JGU còn được xếp hạng trong số 500 trường đại học hàng đầu thế giới về đội ngũ giảng viên quốc tế, chiếm 12% tổng số giảng viên toàn thời gian của JGU.
JGU tập trung mạnh vào Quốc tế hóa. Trường luôn cố gắng tích hợp và truyền đạt những gì tốt nhất trong việc dạy và học cho sinh viên, nhân viên và học giả nghiên cứu của mình. Để đạt được điều này, Trường đã tạo ra nhiều mối quan hệ hợp tác có ý nghĩa với các trường Đại học hàng đầu trên toàn cầu, trong đó có Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Columbia, Đại học Cornell, UC Berkeley, UC Davis, Đại học Indiana Bloomington, Đại học Texas, Đại học Tufts, Đại học Pennsylvania, Đại học Arizona, Đại học Thành phố Hồng Kông, Đại học Oxford , Đại học Cambridge, Đại học Queen Mary ở Luân Đôn, Đại học Melbourne, Đại học Sydney, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Đại học Bologna, Sciences Po, v.v. Ngoài các cơ sở giáo dục này, Trường còn có quan hệ đối tác với các trường đại học ở nhiều khu vực trên thế giới. Hình thức hợp tác với các đối tác của Trường rất đa dạng như trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, chương trình giảng dạy chung, nghiên cứu chung, xuất bản chung, chương trình bằng kép, chương trình hòa nhập, hội thảo và hội nghị chung, chương trình giáo dục điều hành chung và chương trình học ngắn hạn (mùa hè và mùa đông. Những hoạt động hợp tác này có tác động tích cực đến cuộc sống của sinh viên, giảng viên và Trường luôn dành những nỗ lực để thực hiện các mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập trong nhiều năm qua. |