Sáng 21/12, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Sơ kết thực hiện Quyết định số 230 về việc triển khai thực hiện Đề án 1156/QĐ-TTg.
Toàn cảnh Sơ kết thực hiện Quyết định số 230 về việc triển khai thực hiện Đề án 1156/QĐ-TTg.
Chủ trì chương trình sơ kết có TS.Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Ngoài ra còn có sự tham sự của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Trường, lãnh đạo chủ chốt của Phân hiệu (tham dự trực tuyến).
Thực hiện Quyết định số 203/QĐ-ĐHLHN về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 20/QĐ-BTP ngày 06/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Luật Hà Nội đã thực hiện được một số nhiệm vụ như sau:
- Trong năm 2023, Phòng Đào tạo đại học, Phòng Đào tạo sau đại học đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm cho giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030 cho các bậc và hệ đào tạo theo hướng đảm bảo tăng mỗi năm 10-20% đạt quy mô 19.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh vào năm 2025 và đạt 21.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh vào năm 2030, tập trung tăng số lượng sinh viên chất lượng cao.
- Xây dựng Đề án mở ngành, chuyên ngành đào tạo, như: Sở hữu trí tuệ, Thi hành án dân sự, Kinh doanh Bất động sản, Tài chính ngân hàng, Quản trị công… trong giai đoạn 2022-2025; mở mã ngành, chuyên ngành Luật biển, Quyền con người, Chính trị - luật ở trình độ đại học; Luật thương mại quốc tế, Luật so sánh ở trình độ sau đại học… trong giai đoạn 2026-2030.
- Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong dạy và học theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; rà soát, cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo (nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân, tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, năng lực ngoại ngữ, năng lực hội nhập và kỹ năng làm việc hiện đại).
- Thực hiện các đề tài, đề án nghiên cứu cấp nhà nước/ cấp quốc gia; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học có tầm ảnh hưởng, gắn với chiến lược, chương trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật; đẩy mạnh xuất bản sách chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có chỉ số ISBN, xuất bản các công bố quốc tế trên Tạp chí ISI, bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS…
- Phát triển quan hệ hợp tác sâu, rộng về khoa học và công nghệ với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường các nguồn lực, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Trường .
- Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện các đề tài, đề án, công trình, dự án nghiên cứu lớn, có công bố quốc tế.
- Xây dựng kế hoạch hợp tác trọng tâm, lựa chọn các đối tác chiến lược, đối tác truyền thống và các địa bàn trọng điểm để đào tạo, tư vấn pháp luật, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và phục vụ cộng đồng gắn với công nghệ thông tin, kỹ thuật số; tăng cường các hoạt động phục vụ cộng đồng.
- Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù trong cả nước (những người yếu thế, phạm nhân trong trại giam …)
- Xây dựng Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm bảo đủ về số lượng và mạnh về chất lượng theo các mục tiêu của Quyết định số 1156/QĐ-TTg.
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cập nhật kiến thức, đạo đức nghề nghiệp; rà soát, bổ sung tiêu chí đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cho phù hợp với điều kiện của Trường.
- Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng đội ngũ giảng viên hướng tới phát triển mạnh đội ngũ giảng viên giảng dạy chuyên ngành luật bằng ngoại ngữ và giảng viên giảng dạy ngoại ngữ của Trường.
- Tăng cường trao đổi giảng viên giữa các cơ sở đào tạo luật trong và ngoài nước, thu hút chuyên gia làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức luật sư trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho sinh viên.
- Tiếp tục mở rộng phát triển quan hệ với các Trường có uy tín trên thế giới và tại khu vực Đông Nam Á; tăng cường đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với các cơ sở đào tạo luật nước ngoài.
- Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn giảng dạy bằng tiếng Anh và các tiếng nước ngoài khác để thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Trường.
- Đẩy mạnh hoạt động giao lưu quốc tế giữa sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội với sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước tiên tiến trên thế giới; tổ chức các cuộc thi tranh tụng trong nước, quốc tế hàng năm.
- Thiết lập cơ chế và tăng cường sự kết nối giữa Trường Đại học Luật Hà Nội với Hội Cựu sinh viên của Trường; khai thác, phát huy sự ủng hộ của Hội Cựu sinh viên trong việc phát triển Trường, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá tư tưởng pháp lý.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý các mặt hoạt động của Trường với lộ trình phù hợp, trong đó tập trung vào công tác quản lý, điều hành, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý hành chính - nhân sự, tài chính, tài sản...
Kết thúc chương trình sơ kết, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường đề nghị các đơn vị tiếp trục triển khai những nhiệm vụ chưa hoàn thành và chủ động thực sớm trong thời gian tới.