Hội thảo khoa học “Hợp tác đào tạo tiếng Việt và tiếng Trung pháp lý hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực pháp lý quốc tế trong bối cảnh thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”

Đăng vào 27/12/2023

Ngày 24/12/2023 tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Beijing Foreign Studies University - BFSU), Trung Quốc, Trường Luật - Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đã tổ chức hội thảo “Hợp tác đào tạo tiếng Việt và tiếng Trung pháp lý hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực pháp lý quốc tế trong bối cảnh thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.  Việc tổ chức hội thảo khoa học này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hợp tác hữu nghị Trung - Việt đặc biệt sau chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Việt Nam từ ngày từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 với Tuyên bố chung của hai bên về “tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.  Các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội được mời dự và tham luận tại Hội thảo khoa học này gồm: PGS, TS. Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế; PGS, TS. Nguyễn Hiền Phương - Phó Giám đốc Viện luật so sánh, phụ trách giảng dạy Tiếng Việt pháp lý; ThS Vũ Thùy Trang, chuyên viên hợp tác quốc tế , giảng viên tiếng Trung; ThS Nguyễn Hải Anh, Phó Trưởng phụ trách bộ môn Tiếng Anh pháp lý; và ThS Phạm Thị Phương Nhung, giảng viên tiếng Trung. 

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

Tham dự Hội thảo khoa học này ngoài các giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh có mặt trực tiếp còn có sự tham gia đông đảo bằng hình thức trực tuyến của các giảng viên và sinh viên của Đại học Vân Nam và Đại học Kinh tế - Tài chính Vân Nam.  GS, TS Mễ Lương - Hiệu trưởng Trường Luật Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và PGS, TS. Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì hội thảo và đã có 11 tham luận được lần lượt trình bày tại Hội thảo, bao gồm:

  1. Đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp lý quốc tế - GS, TS. Vương Văn Hoa, Chủ nhiệm Ủy ban học thuật, Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh

  2.  Trường Đại học Luật Hà Nội và chiến lược hợp tác với Đại học Bắc ngoại trong đào tạo tiếng Việt và tiếng Trung pháp lý - PGS, TS. Nguyễn Văn Quang, Trường Đại học Luật Hà Nội

  3. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp lý quốc tế - Một số bình luận cá nhân - GS Trần Vân Đông – Hiệu trưởng Trường Luật, Đại học Vân Nam

  4. Giảng dạy tiếng Việt pháp lý trong chương trình đào tạo của Trường Đại học luật Hà Nội và những đề xuất hợp tác Trung -Việt – PGS, TS Nguyễn Hiền Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội

  5. Một số khó khăn và giải pháp thiết kế môn học tiếng Trung pháp lý trong chương trình đào tạo đại học tại Trường Đại học Luật Hà Nội – ThS Phạm Thị Phương Nhung, Trường Đại học Luật Hà Nội

  6. Thực tiễn và một số đề xuất về việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có năng lực chuyên môn và phù hợp với xu thế quốc tế  của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh- GS Lưu Lũi, Phó Trưởng Phòng nhân sự, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh

  7. Vai trò của các cuộc thi tranh tụng quốc tế (International Moot Competition) trong đào tạo nhân lực pháp lý quốc tế - Nghiên cứu trường hợp của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh - TS Diêu Diệm Hà, Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh

  8. Triển vọng hợp tác học thuật trong một số lĩnh vực pháp luật quốc tế cơ bản giữa Việt Nam và Trung Quốc nhìn từ “Tuyên bố chung Trung Quốc – Việt Nam” ngày 13/12/2023 – TS Triệu Lý Trí, Trưởng bộ môn Luật Quốc tế, Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh

  9. Một số vấn đề về phương pháp giảng dạy tiếng Anh pháp lý tại Trường Đại học Luật Hà Nội trong triển vọng hợp tác đào tạo pháp luật giữa Đại học  Ngoại ngữ Bắc Kinh và Trường Đại học Luật Hà Nội – ThS Nguyễn Hải Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội

  10.  Khám phá con đường các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc đào tạo nhân lực pháp lý hướng tới khu vực Nam Á và Đông Nam Á – GS, TS. Lại Bằng,  Trưởng Khoa Chính trị học và Luật, Đại học Kinh tế - Tài chính Vân Nam

  11.  Đào tạo tiếng Trung pháp lý cho sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội trong bối cảnh hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc – Cơ hội và thách thức - ThS Vũ Thùy Trang, Trường Đại học Luật Hà Nội

Tham luận của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học của hai Bên đã thống nhất một số nội dung chuyên môn quan trọng và cùng nhau đưa ra nhiều đề xuất có tính khả thi cao nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động hợp tác  giữa Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (cơ sở giáo dục đại học nằm trong danh mục các trường đại học trọng điểm của Trung Quốc) và Trường Đại học Luật Hà Nội (cơ sở đào tạo luật đang được Chính phủ đầu tư xây dựng để trở thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật của Việt Nam), cụ thể:

Thứ nhất, trong bối cảnh đào tạo luật hiện nay, nguồn nhân lực pháp lý quốc tế cần phải bảo đảm hai điều kiện căn bản là vừa có kiến thức, kĩ năng pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế vững vàng và vừa nắm vững ngoại ngữ trong đó ngoài tiếng Anh như là một ngoại ngữ phổ biến đội ngũ này còn đòi hỏi phải sử dụng được ngôn ngữ của quốc gia là đối tượng mà họ quan tâm nghiên cứu, hợp tác.  Về điều kiện thứ hai, các nhà khoa học của hai Bên đều nhất trí rằng đây là yêu cầu vô cùng thách thức đối với nguồn nhân lực pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, các cơ sở đào tạo luật của hai nước hoàn toàn có thể hóa giải được thách thức này. Tăng cường hợp tác đào tạo ngoại ngữ pháp lý trong đó có tiếng Việt và tiếng Trung pháp lý giữa Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công nhiệm vụ khó khăn đó.

Thứ hai,  các nhà khoa học của hai Bên đã cùng nhau chia sẻ nhiều vấn đề về đào tạo, nghiên cứu luật học trong đó nhiều nội dung kinh nghiệm về đào tạo nhân lực (nhân tài) pháp lý quốc tế của các đồng nghiệp Trung Quốc nhận được sự tán đồng cao từ phía các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội như: chú trọng bồi dưỡng đạo đức và ý thức chính trị cho sinh viên luật; kinh nghiệm trong việc tổ chức và tham gia tranh tụng giả định quốc tế (international moot competition) để nâng tầm chất lượng đào tạo; đào tạo ngoại ngữ và ngoại ngữ pháp lý cho sinh viên luật; đề xuất những nội dung đào tạo, nghiên cứu luật học từ các chiến lược, sách lược chính trị của của Đảng cộng sản. Đây là những kinh nghiệm tốt mà Trường Đại học Luật Hà Nội có thể tham khảo để triển khai các chính sách, biện pháp phù hợp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của mình.

Thứ ba, trên cơ sở nội dung học thuật được trao đổi, các đồng nghiệp của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và Trường Đại học Luật Hà Nội đã cùng nhau đưa ra các đề xuất kiến nghị với Lãnh đạo của hai Trường về thúc đẩy hợp tác ưu tiên tập trung vào: (i) Tăng cường trao đổi giảng viên, sinh viên; (ii) Thiết kế các khóa học có sự giảng dạy của giảng viên hai Trường (co-teaching) trong đó hình thức giảng dạy trực tuyến có hướng dẫn tại chỗ của giảng viên ở mỗi đầu cầu Trung Quốc và Việt Nam được đặc biệt chú trong; (iii) Hợp tác biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy tiếng Việt và tiếng Trung pháp lý trong đó giáo trình Tiếng Việt pháp lý sẽ được xuất bản bởi một nhà xuất bản uy tín của Trung Quốc tại Bắc Kinh và giáo trình Tiếng Trung pháp lý sẽ được xuất bản bới một nhà xuất bản có uy tín của Việt Nam tại Hà Nội. Những ý tưởng hợp tác này hoàn toàn có thể được triển khai vào năm 2024 sau khi được các cấp lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt.

Các tham luận của Hội thảo khoa học “Hợp tác đào tạo tiếng Việt và tiếng Trung pháp lý hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực pháp lý quốc tế trong bối cảnh thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc” được các diễn giả trình bày bằng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Trung, tiếng Việt hoặc tiếng Anh có phiên dịch. Đặc biệt, hai phiên dịch viên của Hội thảo này chính là hai sinh viên Trung Quốc đang theo học chương trình đào tạo chuyên ngành tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Trình độ tiếng Việt đặc biệt là tiếng Việt chuyên ngành chính trị- pháp lý khá thành thạo, kỹ năng phiên dịch chuyên nghiệp của hai phiên dịch viên là minh chứng rõ nét cho thế mạnh đào tạo ngoại ngữ pháp lý của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh – điểm sáng mà Trường Đại học Luật Hà Nội có thể tập trung khai thác trong quan hệ hợp tác với cơ sở giáo dục đại học này.

Hội thảo khoa học “Hợp tác đào tạo tiếng Việt và tiếng Trung pháp lý hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực pháp lý quốc tế trong bối cảnh thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế mới cho Trường Đại học Luật Hà Nội của Việt Nam và Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh của Trung Quốc.

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm trước Thư viện của Trường với biển hiệu “Thư viện” được trình bày các ngôn ngữ hiện đang được đào tạo Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

PGS, TS. Nguyễn Văn Quang – ThS Vũ Thùy Trang

THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG LUẬT, ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ BẮC KINH

Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo Trung Quốc, là Trường đại học vào danh sách đợt đầu tiên của các dự án xây dựng các trường đại học trọng điểm và trường đại học “Song nhất” như “Dự án 211” và “Dự án 985” của Bộ Giáo dục đào tạo Trung Quốc. Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh là một trong những trường đại học có lịch sử lâu đời tại Trung Quốc. Khoa Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh được thành lập năm 2001. Năm 2006, Khoa Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh phát triển thành Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Trường hiện nay đang thực hiện công tác đào tạo các cấp bậc từ cử nhân, thạc sỹ tới tiến sỹ. Năm 2019, chuyên ngành luật của Trường Luật, Ngoại ngữ Bắc Kinh đã được chọn vào đợt đầu tiên của dự án xây dựng trường trọng điểm đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật. Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đã được chọn vào đợt đầu tiên của dự án xây dựng trường trọng điểm đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật. Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh có thế mạnh ở chương trình đào tạo nhân tài pháp lý ngôn ngữ phi thông dụng chung. Trên cơ sở lợi thế của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cung cấp tới 101 chuyên ngành ngôn ngữ, từ năm 2009 Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh bắt đầu thực hiện kế hoạch đào tạo các nhân tài vừa có chuyên ngành luật vừa thông thạo các ngoại ngữ phi thông dụng, bao gồm khoảng 50 ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Hungary, tiếng Ả Rập, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Ba Tư, tiếng Việt, tiếng Trung và nhiều ngôn ngữ khác. Việc ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh sẽ góp phần mở rộng phạm vi đối tác hợp tác của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng như phong phú thêm các hoạt động hợp tác với đối tác có thế mạnh là ngoại ngữ pháp lý như Trường Luật, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.