Sáng 07/5, Hội thảo triển khai tập bài giảng giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận giới, phân tích giới được tổ chức tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo triển khai tập bài giảng giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận giới, phân tích giới.
Hội thảo là hoạt động cuối cùng nằm trong chuỗi các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án EU JULE) hỗ trợ Trường Đại học Luật Hà Nội trong việc xây dựng chương trình môn học “Giới, bình đẳng giới và pháp luật”. Dự án EU JULE được tài trợ bởi Liên minh châu Âu với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP và Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong các đơn vị thụ hưởng của Dự án.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ; đại diện UNDP cùng các diễn giả tham gia thuyết trình tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Trường Đại học Luật Hà Nội luôn tự hào là cơ sở đào tạo luật hàng đầu của Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc đưa vào chương trình giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề về giới và bình đẳng giới.
PGS.TS Nguyễn Văn Quang cho biết trong suốt ba (03) năm qua (từ năm 2021 đến năm 2023) với sự hỗ trợ của UNDP trong khuôn khổ của Dự án EU JULE, tập bài giảng môn học “Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật” đã được các chuyên gia biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện, được Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nghiệm thu thông qua vào cuối năm 2023. Tập bài giảng “Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật” gồm 5 chương: Chương 1: Tổng quan về giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật; Chương 2: Phân tích giới trong chính sách, pháp luật; Chương 3: Lồng ghép giới trong chính sách, pháp luật; Chương 4: Ngân sách có trách nhiệm giới; Chương 5: Đánh giá tác động về giới của chính sách, pháp luật.
Hiện nay, tập bài giảng đang chuẩn bị được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức từ học kì 1 năm học 2024 – 2025 cho sinh viên. Tuy nhiên, để triển khai giảng dạy 05 chương trong tập bài giảng môn học “Giới, bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật” với những kiến thức cơ bản về giới, công cụ cần thiết cho phân tích giới và lồng ghép giới trong chính sách, pháp luật cũng như những hướng dẫn về thực tiễn lồng ghép giới nhất là vấn đề ngân sách có trách nhiệm giới và đánh giá tác động về giới của chính sách trong pháp luật, đội ngũ giảng viên của Trường còn gặp nhiều thách thức và khó khăn.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Quang gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ quý báu của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE), Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, các chuyên gia và Ban Quản lý Dự án của Bộ Tư pháp; cũng như các quý vị đại biểu, các quý thầy cô giáo, các nhà khoa học đã dành thời gian tham dự Hội thảo này.
PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn cởi mở, hỗ trợ sự phát triển chuyên môn của đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực này. Những kiến thức và kĩ năng này sẽ là nền tảng và bổ trợ hữu hiệu cho sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới thực chất trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật. Đồng hành với Trường Đại học Luật Hà Nội trong hoạt động này là Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và PGS.TS. Dương Kim Anh, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giới trong chính sách và pháp luật. Hoạt động này cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả của Ban Quản lý Dự án của Bộ Tư pháp.