Đoàn cán bộ, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội tham dự Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 21 của Viện Luật châu Á (ASLI) tại Khoa Luật - Đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thái Lan từ ngày 29/5 đến 30/5/2024 với chủ đề: “The Future of Law, the Future of Asia” (Tương lai của pháp luật, tương lai của châu Á).
Viện Luật châu Á được thành lập năm 2003 với tư cách là hiệp hội các trường đào tạo luật hàng đầu châu Á. Mục tiêu của ASLI là thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo quan tâm đến sự phát triển của pháp luật châu Á. Hội thảo quốc tế ASLI là sự kiện quan trọng số một của ASLI, nơi hàng trăm học giả từ khắp nơi trên thế giới tụ họp để trao đổi, thảo luận và tăng cường hiểu biết về thực trạng pháp luật và những thách thức mới ở khi vực châu Á; qua đó chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhằm giải quyết những thách thức đó. Tham dự Hội thảo lần thứ 21 của ASLI có hơn 260 đại biểu đến từ 22 quốc gia khác nhau.
Là một thành viên tích cực của ASLI, hàng năm Trường đều có các cán bộ, giảng viên tích cực tham gia các hội nghị và sự kiện do ASLI tổ. Các cán bộ, giảng viên của Trường tham dự hội thảo năm nay gồm 8 thành viên, bao gồm: PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Trưởng đoàn; PGS.TS Phạm Thị Giang Thu - Giảng viên cao cấp Khoa Pháp luật Kinh tế; TS. Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và Khảo thí; TS. Nguyễn Thị Hồng Yến - Phó trưởng phòng Phòng Đào tạo đại học; TS. Mạc Thị Hoài Thương - Giảng viên Khoa Pháp luật Quốc tế; TS. Nguyễn Ngọc Yến - Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế; ThS. Vũ Hồng Cường - Giảng viên Khoa pháp luật Quốc tế; ThS. Hoàng Thị Minh Phương - Giảng viên Khoa Pháp luật Hành chính nhà nước.
Đoàn cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội đã tham dự Hội thảo với bốn phiên tham luận về các chủ đề của Luật quốc tế, Luật thuế, Luật môi trường và Luật hành chính - hiến pháp.
Tại Hội thảo, các học giả đã thảo luận và chi sẻ rằng thế giới nói chung, khu vực châu Á nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản trị nhà nước, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và quyền con người. Bên cạnh đó, tranh chấp trên biển và trên đất liền trong khu vực, mối quan hệ giữa mức thuế tối thiểu toàn cầu và hệ thống pháp luật nội địa, ô nhiễm môi trường biển là những vấn đề phức tạp và đặt ra nhiều thách thức. Chính vì vậy, các học giả đi đến nhận định rằng các quốc gia trên thế giới nói chung, khu vực châu Á nói riêng cần thực hiện nhiều biện pháp tích cực khác nhau, trong đó xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trong khu vực và toàn cầu là những đề xuất cần tập trung và ưu tiên các chính sách, chiến lược của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
Chiều ngày 30/5/2024, sau nhiều phiên trình bày và thảo luận, Hội nghị ASLI lần thứ 21 đã bế mạc trang trọng tại Hội trường lớn của Trường Đại học Chulalongkorn.