TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI THAM GIA CUỘC THI PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ “BFSU-WANHUIDA CUP” LẦN THỨ 16 TẠI BẮC KINH – TRUNG QUỐC

Đăng vào 03/06/2024

Nhận lời mời của Trường Luật thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh về việc tham gia Cuộc thi Phiên tòa giả định về sở hữu trí tuệ “BFSU-WANHUIDA Cup” lần thứ 16, Đội tuyển của Trường Đại học Luật Hà Nội gồm các sinh viên Phan Thị Hà Linh, Lý Thu Hà, Phạm Minh Châu cùng với giảng viên hướng dẫn ThS. Phạm Minh Huyền – Khoa Pháp luật Dân sự và ThS. Vũ Thùy Trang – Phòng Hợp tác quốc tế đã tham gia cuộc thi tổ chức vào ngày 25,26 tháng 05 năm 2024 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đội tuyển của Trường Đại học Luật Hà Nội chụp ảnh kỉ niệm cùng giảng viên hướng dẫn ThS. Phạm Minh Huyền trước giờ thi đấu.

Đây là một cuộc thi tranh biện bằng tiếng Anh chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ có tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc với sự tham gia của các thẩm phán có uy tín, các luật sư cao cấp và các chuyên gia sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và nước ngoài. Cuộc thi “BFSU-WANHUIDA Cup” được tổ chức thường niên từ năm 2007 bởi Trường Luật thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh – một trong những cơ sở hàng đầu Trung Quốc về đào tạo và nghiên cứu ngoại ngữ và được tài trợ chủ yếu bởi Văn phòng luật sư Wan Hui Da – một hãng luật uy tín của Trung Quốc chuyên giải quyết các vụ việc về tranh tụng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giành được sự tín nhiệm của nhiều khách hàng lớn như Xiaomi, Microsoft, LACOSTE, HERMES, MTG Corporation, ANDREAS STIHL, New Balance, Michelin và có hơn 30 vụ việc được ghi nhận trên Công báo của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc.

Đội tuyển Trường Đại học Luật Hà Nội chụp ảnh kỉ niệm cùng đội tuyển Trường Đại học Kinh tế ngoại thương sau khi thi đấu.

Vấn đề Ban tổ chức cuộc thi Phiên tòa giả định về sở hữu trí tuệ năm 2024 đặt ra liên quan đến tranh chấp về sáng chế giữa Nguyên đơn là Công ty TNHH Guangdong Juli Automobile Machinery Manufacturing và Bị đơn là Công ty TNHH Shanghai Xinning Automobile Machinery Manufacturing. Cụ thể, Nguyên đơn là chủ sở hữu sáng chế máy bơm theo Bằng độc quyền sáng chế số 2010687889.2 được cấp ngày 15/12/2011 và hiện đang còn trong thời hạn bảo hộ. Tháng 09/2022, Nguyên đơn phát hiện Bị đơn sản xuất và kinh doanh xe tải bơm xi măng có sử dụng hệ thống bơm tương tự với giải pháp kỹ thuật được bảo hộ trong Bằng độc quyền sáng chế số 2010687889.2 của Nguyên đơn. Do đó, Nguyên đơn cáo buộc Bị đơn xâm phạm quyền đối với sáng chế của họ trong khi Bị đơn cho rằng họ không xâm phạm vì trước ngày Nguyên đơn nộp đơn đăng ký sáng chế - ngày 11/09/2010, đã có một Bằng độc quyền sáng chế được cấp vào ngày 05/11/1999 tại Hàn Quốc cho thiết bị bơm dành cho xe tải bơm xi măng và giải pháp kỹ thuật Bị đơn đang sử dụng không nằm trong phạm vi độc quyền được bảo hộ của Nguyên đơn.

Đội tuyển Trường Đại học Luật Hà Nội chụp ảnh kỉ niệm cùng đội tuyển Trường Đại học Xiang Tan sau khi thi đấu.

Mặc dù đây là tranh chấp liên quan đến kỹ thuật khá phức tạp và yêu cầu kiến thức chuyên sâu về sáng chế, Đội tuyển của Trường Đại học Luật Hà Nội đã chuẩn bị Bản bào chữa và tham gia tranh biện với những lập luận và chứng cứ logic, thuyết phục, đề cập một cách toàn diện đến các khía cạnh của tranh chấp. Qua hai vòng thi trực tiếp với hai đội mạnh nhất của Trung Quốc, đội thi của Trường Đại học Luật Hà Nội đã giành được số điểm khá cao, xếp thứ 7/16 đội tham gia.

 

Đặc biệt, sinh viên Phan Thị Hà Linh với phần thể hiện ấn tượng bảo vệ cho Nguyên đơn và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo đầy thuyết phục đã giành được danh hiệu “The Outstanding oralist – Nhà hùng biện xuất sắc”.

Đội tuyển Trường Đại học Luật Hà Nội chụp ảnh kỉ niệm cùng Ban Giám khảo.

Cuộc thi đã mang lại những trải nghiệm gay cấn về một phiên tòa chuyên nghiệp, những kỷ niệm đẹp về tình bạn, tình hữu nghị giữa các quốc gia và khuyến khích sự sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê của các bạn trẻ với lĩnh vực sở hữu trí tuệ.