Ngày 19 tháng 6 năm 2024, tại hội trường A402, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận liên quan đến hoạt động giám sát của cơ quan dân cử cũng như những vấn đề thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Các đại biểu tham dự hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở Việt Nam hiện nay”.
Đến dự và chủ trì hội thảo có TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, TS. Nguyễn Mai Thuyên – Phó trưởng phụ trách bộ môn Luật Hiến pháp. Tham dự Hội thảo về phía khách mời ngoài Trường có TS. Phạm Quý Tỵ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII; đồng chí Nguyễn Duy Tiến – Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; đồng chí Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV; đồng chí Nguyễn Vĩnh Sơn – Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hải Dương; đồng chí Nguyễn Thị Nắng Mai – Trưởng Ban Dân vận, Quận ủy Bắc Từ Liêm. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có đại diện lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và người học tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo được chủ trì bởi TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước và TS. Nguyễn Mai Thuyên – Phó trưởng phụ trách bộ môn Luật Hiến pháp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước cho biết Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, sau hơn 07 năm thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần làm cho bộ máy nhà nước hoạt động nhịp nhàng, hiệu lực và hiệu quả, phòng, chống những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, quan liêu. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Hoạt động giám sát có lúc, có nơi chưa thực sự gắn kết, phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân;…
Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở Việt Nam hiện nay” được tổ chức nhằm hướng tới các mục đích sau: Tạo diễn đàn cho các nhà khoa học để thảo luận và góp ý cho Dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 do Hội đồng dân tộc chủ trì xây dựng; Là một trong những hoạt động nghiên cứu khoa học chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội - thể hiện vai trò là Trường trọng điểm, là trung tâm nghiên cứu pháp lý hàng đầu cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại hội thảo đã có 8 bài trình bày cùng hơn 20 lượt ý kiến đến từ các vị đại biểu. Các ý kiến đều phát biểu sôi nổi, tập trung khẳng định tầm quan trọng của hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hội thảo đã thực sự là một diễn đàn khoa học bổ ích với tiếng nói từ các nhà khoa học, các chuyên gia thực tiễn nhằm trao đổi và đề xuất các ý kiến khoa học quý báu nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.