Sáng 8/10, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội nghị ấy ý kiến góp ý dự thảo các chương trình đào tạo trình độ đại học sửa đổi sau khi rà soát, đánh giá và cập nhật năm 2024 dưới sự chủ trì của PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng và TS. Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Phòng Đào tạo đại học.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tham dự TS. Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp luật thương mại tài chính và tổng hợp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp; TS. Trần Minh Tiến - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Tư pháp; TS. Nguyễn Thị Như Huế - Phó trưởng Ban quản lý đào tạo Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco; Luật sư Nguyễn Thị Thuý Chung - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH ASL. Tham dự trực tuyến có TS Đào Gia Phúc – Viện Trưởng viện Pháp luật Quốc tế và So sánh Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Triều Dương - Trưởng phòng Phòng Đào tạo đại học; TS. Nguyễn Thị Dung - Phó trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế; PGS.TS. Trần Anh Tuấn - Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự; PGS.TS. Nguyễn Bá Bình - Trưởng Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế; TS. Trần Minh Ngọc - Trưởng Khoa Pháp luật Quốc tế; TS. Định Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý; TS. Nguyễn Mai Thuyên - Phó phụ trách Bộ môn Bộ môn Luật Hiến pháp cùng đại diện lãnh đạo của Viện Luật so sánh, Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và khảo thí, Phòng Thanh tra, Trung tâm công nghệ thông tin, Phân hiệu (dự trực tuyến) và các đơn vị sử dụng lao động.
Hội nghị góp ý Dự thảo các Chương trình đào tạo trình độ đại học sửa đổi sau khi rà soát, đánh giá, cập nhật năm 2024 nhằm mục đích lắng nghe ý kiến góp ý của các bên liên quan về Dự thảo các Chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường từ đó củng cố thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, nhu cầu của người học về đào tạo trình độ đại học; trao đổi kinh nghiệm trong rà soát, đánh giá, cập nhật các CTĐT với các cơ sửo đào tạo khác nhằm bảo đảm các chương trình đào tạo trình độ đại học (CTĐTĐH) của Trường được rà soát, đánh giá, cập nhật (RSĐGCN) thường xuyên theo đúng hướng dẫn tại các văn bản quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo.
PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, rà soát, đánh giá, cập nhật các chương trình đào tạo (CTĐT) đạt chuẩn chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn đánh giá trong nước và quốc tế là một xu thế tất yếu và là vấn đề rất cần thiết ở các trường đại học nhằm đảm bảo tính hội nhập, hiện đại và hiệu quả của các CTĐT trước các yêu cầu cấp thiết của bối cảnh trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn tích cực phát triển và cập nhật các CTĐT nhằm nâng cao chất lượng của quá trình đào tạo và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội và các bên liên quan. Năm 2024, Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục thực hiện rà soát, cập nhật định kỳ các CTĐT trình độ đại học với 5 CTĐT là: CTĐT trình độ đại học Ngành luật, CTĐT trình độ đại học ngành Luật Kinh tế, CTĐT trình độ đại học ngành luật TMQT, CTĐT chất lượng cao ngành luật, CTĐT ngành Ngôn ngữ Anh.
Thay mặt cho Ban giám hiệu Nhà trường, Ban rà soát các CTĐT trình độ đại học và Ban tổ chức Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Tô Văn Hòa cảm ơn sự tham gia của các đại biểu (bao gồm tham dự trực tiếp và trực tuyến), đặc biệt là các tác giả bài viết và các báo cáo viên đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để viết bài cho Hội nghị này. PGS.TS Tô Văn Hòa cũng mong rằng với tinh thần trao đổi khách quan, thẳng thắn và mang tính xây dựng, Hội nghị sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu từ phía các đại biểu, các thầy cô giáo, đại diện cựu sinh viên và sinh viên.
Hội nghị tập trung trình bày và thảo luận về mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nội dung và cấu trúc của chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá; lịch trình, tổ chức giảng dạy các học phần. Sau thời gian làm việc nghiêm túc và khẩn trương, Hội nghị đã thu được những kết quả thiết thực, giúp Trường có thêm căn cứ để hoàn chỉnh các chương trình đào tạo trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại Hội nghị